Đoạn trường hộ khẩu: Không có lối ra

10/11/2012 03:00 GMT+7

Dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ tình trạng bất cập trong quản lý hộ khẩu, nhưng cũng chỉ là các giải pháp tình thế, vẫn chưa thực sự đưa người dân thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: hộ khẩu -CMND - nhà.

Cả nhà không có CMND

Năm 1989, gia đình bà Trần Thị Bi chuyển nhà từ Đồng Nai về số 124 Trần Văn Kiểu, Q.5, TP.HCM sinh sống. Căn nhà này thuộc diện nhà nước quản lý, cho gia đình bà thuê. Năm 2002, căn nhà bị giải tỏa một phần để làm đường và được xây mới lại. Gia đình bà cũng được bố trí tái định cư bằng việc thuê lại một căn hộ ngay địa chỉ này. Tuy nhiên, người đứng tên hợp đồng thuê nhà lại là vợ chồng người cậu. Sau này, vợ chồng người cậu chuyển đi nơi khác, còn gia đình bà Bi vẫn tiếp tục ở đây. Chính vì không phải là người đứng tên hợp đồng thuê nhà nên cả nhà bà gồm 4 thành viên (2 người con và 1 đứa cháu ngoại) dù đã sinh sống ở đây hàng chục năm nhưng cũng chỉ được cấp sổ tạm trú.

Đoạn trường hộ khẩu: Không có lối ra
Cả gia đình bà Bi chẳng ai có tờ giấy lận lưng nào ngoài những đơn từ xin cứu xét - Ảnh: Hải Nam

Hộ khẩu ở Đồng Nai thì đã bị cắt từ lâu nên giấy CMND của bà dù đã hết hạn rất lâu cũng không làm lại được. Hai người con là anh Trương Hải Thuyền và chị Trương Tuyết Lệ năm nay gần 40 tuổi mà chẳng có một tờ giấy lận lưng nào. Không hộ khẩu, không CMND cũng đồng nghĩa với việc họ không được công nhận công dân thực sự. Mua chiếc xe máy cũng phải nhờ người đứng tên, bệnh tật muốn mua bảo hiểm cũng không được chấp nhận. Không việc làm, không được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí lập gia đình cũng không đăng ký kết hôn được, thiệt thòi đủ đường...

Loay hoay tìm lối ra

Theo một cán bộ quản lý đăng ký hộ khẩu tại P.Thủ Thiêm, Q.2 thì những trường hợp tương tự như các trường hợp mà Thanh Niên đã đề cập là khá phổ biến nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp. Thường gặp nhất là những hộ có nhà bị giải tỏa. Một số gia đình có đông người, khi nhận một số tiền đền bù thì chia mỗi người mỗi ít nên không đủ mua lại nhà khác. Họ thường chạy ra các quận huyện vùng ven mua nhà chưa có giấy tờ hợp pháp nên không thể nhập khẩu nơi ở mới. Hộ khẩu chỗ cũ cũng không thể cắt được dẫn đến tình trạng sống một nơi, hộ khẩu một nẻo, vừa phiền hà cho dân vừa khó khăn trong công tác quản lý.

Nghị định 56/2010/NĐ-CP ngày 24.5.2010 hướng dẫn thi hành một số điều của luật Cư trú, tại khoản 4, điểm c quy định không đăng ký thường trú (nơi ở cũ - NV) đối với công dân chuyển đến chỗ ở đã có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Văn bản ngày 8.8.2012 của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH trả lời vướng mắc trong công tác đăng ký quản lý cư trú cũng đã mở hơn với việc cho phép nhập khẩu đối với những hộ có nhà đã bị giải tỏa trong trường hợp vợ theo chồng hoặc ngược lại, nhập khẩu cho trẻ em dưới 18 tuổi. Vì vậy, đối với người trên 18 tuổi như trường hợp của anh Ngô Tuấn P. mà Thanh Niên đã đề cập, theo một cán bộ cơ quan quản lý đăng ký hộ khẩu ở Q.2 thì cũng đành “bó tay”. Cán bộ này cho biết thêm, để “chữa cháy”, cán bộ đăng ký hộ khẩu thường khuyến khích người thân họ làm bảo lãnh để nhập khẩu. Tuy nhiên, thực tế không hề dễ vì ai cũng ngại vì sợ phát sinh tranh chấp sau này.

Cũng tại Văn bản này có quy định: Đối với những trường hợp có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM, vì lý do nhà bán, giải tỏa, di chuyển đến phường xã, thị trấn khác trong thành phố nhưng không đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú thì căn cứ vào các quy định pháp luật để giải quyết đăng ký cấp sổ tạm trú cho công dân. Như vậy, dù thế nào cũng chỉ giải quyết được đến mức cấp tạm trú là hết. Trong khi đó, các vấn đề khác, mà quan trọng nhất là CMND thì chỉ được cấp theo hộ khẩu. Nếu cả đời họ không đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu mới thì sẽ giải quyết ra sao? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời. Vì vậy con, cháu và thế hệ sau của những hộ này sẽ phải tiếp tục sống trong cảnh tạm trú và phải chịu thêm nhiều thiệt thòi khác nữa.

Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.