Những phát hiện khảo cổ 2012 - Tường thành Cổ Loa kể chuyện

10/11/2012 03:00 GMT+7

Kết quả khai quật một phần tường thành ngoại Cổ Loa cho thấy, để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh và sự quản lý kiểu nhà nước.

Năm 1959, khi đắp đường quốc lộ 3 qua di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), công nhân đã phát hiện một hố vuông bên trong chứa rất nhiều mũi tên đồng đã gỉ xanh. Phân loại cho thấy, có mũi tên mới ra khuôn chưa tu chỉnh vẫn còn nguyên dấu vết kỹ thuật đúc, có mũi tên đã hoàn thiện, tư liệu khảo cổ cho biết. Sau đó, những cuộc khai quật nối tiếp nhau. Câu chuyện thành Cổ Loa bước ra từ truyền thuyết sau khi các nhà khảo cổ khai quật ở đây. 

Thành xây nhanh, liên tục

“Khai quật cho thấy các lớp đất riêng biệt, từ đó có thể bước đầu đưa ra các giai đoạn đắp thành kỹ và đắp thêm thành”, TS Trịnh Hoàng Hiệp, Viện Khảo cổ cho biết. Có tới 4 giai đoạn đắp thành lũy. Giai đoạn đầu đắp bằng lớp đất đỏ sẫm lẫn hạt sạn sỏi nhỏ, nền rất cứng. Giai đoạn hai đắp thêm bằng đất xám đen lẫn đất sét màu xám trắng. Giai đoạn ba đắp đất có lẫn mảnh ngói và cuối cùng đắp đất màu vàng sáng lẫn đất sét xám trắng. Việc đắp thêm lũy cũng được thực hiện 2 lần, nhằm gia cố.

Xác định rõ các lần đắp thành trên thực địa song các nhà khảo cổ vẫn chưa thể xác định rõ khoảng cách thời gian của những lần đắp này. Tuy nhiên, giải thích ban đầu của họ cho rằng phần lớn tường thành được xây liên tục, tương đối nhanh. Có lẽ việc xây này chỉ do một thế hệ thực hiện. “Địa tầng của thành không có lớp trầm tích tự nhiên vẫn thường xuất hiện khi các giai đoạn đắp thành quá xa nhau”, TS Hiệp giải thích.

Những phát hiện khảo cổ 2012 - Tường thành Cổ Loa kể chuyện 
Thành Cổ Loa được xây dựng dưới sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa đáng kể - Ảnh: Ngữ Thiên

Theo ông Hiệp phỏng đoán, lớp nền đất được đắp toàn bộ ngay từ đầu. Sau đó, cư dân cứ quay vòng đắp xong toàn bộ vòng thành mới quay lại đắp các giai đoạn tiếp theo. Sau khi đắp thành xong, hai giai đoạn đắp thêm lần lượt thuộc giai đoạn Cổ Loa và giai đoạn muộn sau này, nhiều khả năng vào thời Lê.

 

Năm nay, việc đào một đoạn thành ngoại tại Cổ Loa cho thấy sự phát triển hùng mạnh của quân sự và quản lý lúc bấy giờ

PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ

Sự hiện diện của mảnh ngói và đá khi khai quật cho thấy một vấn đề mở khác cần tiếp tục nghiên cứu về cấu trúc thành. Các nhà khoa học nghi ngờ có thể có một cấu trúc mái được dựng dọc theo bề mặt gốc của tường thành. Mái được dựng lên để chống mưa hoặc bị tấn công bằng đá, mũi tên. Một khả năng khác là ngói và đá được đặt ở chân thành để củng cố tính toàn vẹn của tường thành trước xói mòn do mưa. “Lượng lớn mảnh ngói trên các vòng thành là điều đáng kinh ngạc về yêu cầu sản xuất. Nó cũng khiến chúng tôi đặt câu hỏi có hoặc không kết cấu mái tồn tại trên các thành lũy Cổ Loa? Phần lớn bức tường thành đất có lẽ đã được xây dựng liên tục trong một khoảng thời gian tương đối nhanh. Nhìn chung, sự kết hợp của các đồ tạo tác, tương phản kỹ thuật xây dựng và niên đại các bon phóng xạ cho thấy đa số các lũy được xây dựng bởi một xã hội địa phương, bản địa”, ông Hiệp nói. 

Tập trung chính trị cấp độ cao

Theo GS Nguyễn Quang Ngọc và PGS-TS Vũ Văn Quân (ĐH Quốc gia Hà Nội), sắc phong, lệnh chỉ của các triều vua thời Lê Trịnh cho thấy Cổ Loa là địa bàn đứng chân quan trọng của các thế lực trung thành với nhà Lê. Một thần tích do Nguyễn Bính soạn năm 1572 có ghi: khi Lê Lợi khởi binh được Thục Đế báo mộng nên lúc lên ngôi đã phong vua Thục là Thượng đẳng phúc thần. Đền Cổ Loa cũng vì thế là một địa bàn quan trọng của các thế lực trung thành với vua Lê nổi lên chống triều Mạc.

Theo hai nhà nghiên cứu trên, cũng vì vai trò quan trọng đó của Cổ Loa nên các vua Lê Trung Hưng rất coi trọng vùng đất này. Đền thờ An Dương Vương được coi là đền thờ chính của cả nước. Dân xã Cổ Loa được miễn các loại sưu sai thuế dịch, chủ yếu phục vụ việc thờ cúng An Dương Vương.

Từ sau thế kỷ 16, lịch sử vùng đất Cổ Loa lại bước sang một trang mới. Cư dân Cổ Loa gốc sau này bị nhà Mạc đuổi đi phiêu tán. Gần một thế kỷ chịu nhiều tác động lớn liên tiếp như vậy làm những làng xóm đã hình thành thời kỳ thế kỷ 11-15 trong phạm vi khu vực thành cổ bị xáo trộn nghiêm trọng. Sau đó, Cổ Loa chứng kiến nhiều nhóm cư dân từ các địa phương khác đến sinh cơ lập nghiệp từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17... (Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân).

Những sử liệu thành văn trên càng củng cố nghiên cứu khảo cổ về thành Cổ Loa. Chúng cho thấy rõ quá trình đắp thành, lũy, hào của cư dân giai đoạn Đông Sơn (muộn) ở Cổ Loa, giai đoạn đắp thành thời An Dương Vương. Chúng cũng cho thấy các lần đắp thêm ở hai vòng thành vào giai đoạn lịch sử khác, mà một trong những lần đó thuộc thời Lê.

Như vậy, theo TS Hiệp, nhiều nguồn tư liệu kết hợp cho thấy một chính thể kiểu nhà nước bản địa và địa phương đã xuất hiện trong giai đoạn Đông Sơn trước khi nhà Hán đến đô hộ. Toàn bộ quy mô và kích cỡ của Cổ Loa cùng những công trình phòng thủ hoành tráng của nó đã gợi ý rằng một cấp độ cao của tập trung chính trị là sự cần thiết để quy hoạch xây dựng và huy động nguồn lực cần thiết.

Một nhà nghiên cứu nước ngoài cho biết, trước khi xây dựng thành Cổ Loa, cộng đồng ở khu vực có thể đã quen với các công trình công cộng được xây dựng có quy mô nhỏ như mương, đê điều, đường đi... Việc xây dựng này đều diễn ra trong thời gian nông nhàn.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu tại Cổ Loa nhấn mạnh lần nữa điều này. Trước khi thành Cổ Loa được xây dựng, chưa có một di tích nào được xây dựng ở lưu vực châu thổ sông Hồng lại có kích cỡ và diện tích lớn tương đương. Để xây dựng được thành lớn như Cổ Loa chắc chắn cần phải có một lực lượng quân sự hùng mạnh cùng sự quản lý kiểu nhà nước và tập trung hóa đáng kể.

Ngoài ra, những yêu cầu cao về lao động, xây dựng cũng cho thấy mật độ dân số cao. Dân số lớn tại thành Cổ Loa là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nó bắt nguồn và cũng đem lại tiềm năng nông nghiệp trồng lúa lớn ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.