Càng bẩn càng mướt!
Rau muống được trồng rải rác khắp nơi trên địa bàn TP.Huế và những vùng lân cận, ở đâu có ao hồ, kênh rạch…người dân đều lợi dụng để trồng. Tuy nhiên, trong số hàng trăm ao hồ ấy, không ít nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải, nước thải sinh hoạt, sự xuống cấp của hệ thống lưu thông nguồn nước, phân bón và chất hóa học…
Trong hệ thống thủy đạo và hơn 40 hồ lớn nhỏ trong kinh thành Huế, rau muống được trồng rất nhiều nơi. Từ nhiều năm nay, một số hồ không còn trong xanh như trước. Màu nước đen nghịt, bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, người dân sống xung quanh vẫn tranh thủ trồng rau muống đem bán. Chẳng hạn như hồ nước trên đoạn đường Thánh Gióng, Tú Xương…tuy không lớn nhưng cũng được người dân đấu thầu và trồng rau muống. Một người dân sống ở đây cho biết, lý do chính dẫn đến tình trạng nước hồ ô nhiễm là do cống nước thải từ phường Thuận Lộc và nhiều hộ dân xung quanh. Trong khi đó đồng lúa bên cạnh, người dân phải xây đắp một bờ đê nhỏ để ngăn dòng nước bẩn chảy qua.
Tại một số đoạn sông của Hộ Thành hào, sông Ngự Hà dù đang bị ô nhiễm nhưng hàng chục năm nay, nó là một trong những vựa rau muống lớn của thành phố. Chị Bưởi, một người sống bên sông Ngự Hà cho biết: “Tui chứng kiến nên tui không dám ăn rau ở đây. Năm trước, khi chưa nạo vét sông Ngự Hà, đa số hộ dân sống ven bờ đều thải chất thải và nước thải xuống sông. Càng bẩn rau muống càng xanh tốt. Rau muống sống trong môi trường đó, ai dám ăn. Hiện nay đoạn chưa nạo vét, người ta vẫn đang trồng. Nhưng rau càng bẩn hơn vì đang thi công nên nước sông được khuấy lên càng đục”.
Làm sạch bằng nước thải
Không chỉ sống trong môi trường ô nhiễm, để làm sạch rau, tưới rau trước khi ra chợ bán, nhiều người trồng rau còn vô tư rửa rau tại các cống, rảnh nước thải. Ông Hoài, một người trồng rau ở xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, cầm bó rau trên tay vừa rửa vừa nói: “Khe nước này từ trên vùng Ngự Bình chảy về. Lớp màng bên trên là do nước nhiễm phèn. Rửa qua cho sạch để đem ra chợ bán”. Nhìn bàn tay, bàn chân phèn đóng vào vàng rộm, chứng tỏ khe nước có độ phèn rất cao. Một chị trồng rau ở đây cũng cho biết thêm, rau ở đây được bán sỉ ở các chợ. Đa số rau chỉ bón phân NPK. Nhưng nhà nào muốn rau đẹp thì phun thêm mấy loại thuốc khác.
Theo đề tài nghiên cứu “Bước đầu nghiên cứu khả năng hút thu và tích lũy chì ở bèo tây và rau muống trong nền đất bị ô nhiễm” của nhóm tác giả Lê Đức, Trần Thị Tuyết Thu, Nguyễn Xuân Huân thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, sau 60 ngày trồng rau muống trên vũng đất ô nhiễm, 1kg rau muống đã hút thu 40,429 mg chì, tăng 143,87 lần so với rau trước thí nghiệm. Hàm lượng chì trong rau tăng mạnh ở 20 ngày đầu. Như vậy, rau muống là nơi chứa đựng nhiều độc tố nếu được trồng ở nơi ô nhiễm. Trồng rau muống có thể làm sạch dòng nước ô nhiễm bởi hóa chất công nghiệp, lượng thừa phân bón và nhất là khử trừ loại nước đen sinh hoạt đổ ra từ các vùng dân cư đô thị. Như vậy, việc trồng rau muống trên các vùng ô nhiễm chắc chắn rau sẽ chứa đựng nhiều độc tố nguy hại cho sức khỏe con người.
Với tình trạng trồng rau muống trên mặt nước ô nhiễm phổ biến như hiện nay thì việc chọn mua một bó rau muống an toàn vệ sinh thực phẩm quả không dễ với các bà nội trợ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có nhiều làng rau sạch nổi tiếng như Thành Trung, Tây Thành, Phú Lương, Thanh Hà…(xã Quảng Thành, H.Quảng Điền) hay nhiều làng rau ở xã Điền Lộc (H.Phong Điền) cung cấp cho các siêu thị, khách sạn, chợ đầu mối... Đặc biệt, làng rau của xã Quảng Thành đã được hình thành trên 100 năm và là một trong những địa chỉ được nhiều đơn vị tiêu thụ lựa chọn. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ, họ thường tin cậy mua rau ở những gánh rau do một số người từ quê gánh lên bán rong ở các chợ. Vì, những người này không chỉ trồng rau để bán mà còn để ăn nên ra tương đối an toàn. |
Tuyết Khoa
Bình luận (0)