Báo cáo cũng khẳng định, không có đứt gãy lớn cắt qua nền đập. Động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra nhưng cường độ không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập.
Ở góc độ khác, theo PGS-TS Phan Trường Thị (ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội), vấn đề an toàn của đập Sông Tranh 2 không chỉ là nền móng mà kỹ thuật xây đập “mang trong mình nhiều khuyết điểm rất nghiêm trọng”. Vì vấn đề thấm nước, rò rỉ nước tại thân đập đến nay vẫn chưa ai có kết luận xác đáng. “Động đất ở Sông Tranh 2 rất đặc biệt, chưa từng có đập thủy điện nào trên thế giới diễn biến động đất như ở đây. Động đất liên tục, dồn dập, kể cả khi tích nước, khi rút nước, thậm chí cả khi mực nước ở mức bình thường. Ví dụ như động đất trong tháng 9 vừa qua không xác định nổi nguyên nhân, không có đủ căn cứ để dự báo”, ông Thị nói. Cũng theo chuyên gia này, con số 68 trận động đất là chưa tính hết, thực chất có nhiều hơn. Qua các trận động đất, có thể khẳng định đới đứt gãy vẫn đang hoạt động chứ không phải dừng hoạt động cách đây 240 triệu năm.
TS Phan Văn Quýnh (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, càng tích nước cao thì động đất càng mạnh, nên quyết định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ngừng tích nước tại Sông Tranh 2 là chính xác. Theo TS Quýnh, vấn đề động đất tại Sông Tranh 2 rất phức tạp do ngoài tác động từ cột nước gây áp suất, còn là cấu tạo địa chất khiến nước còn thấm theo các hệ thống khe nứt vòng vèo. Bảo lưu quan điểm đập có thể bị trôi khi động đất kích thích xảy ra liên tục, ông Quýnh cho rằng, độ bền của đập là rất lớn, nhưng vấn đề ở độ gắn kết giữa bê tông và nền đập.
Mai Hà - Quang Duẩn
Bình luận (0)