(TNO) Trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp sáng nay 13.11 ngay sau phiên chất vấn, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ: “Các câu hỏi của đại biểu rất có trách nhiệm. Tất nhiên khó là do khả năng của mình trả lời, chứ không phải câu hỏi của đại biểu”.
* Thưa Bộ trưởng, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng từ chiều qua đến sáng nay, nhiều đại biểu quốc hội bày tỏ chưa thỏa mãn, hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng?
- Đúng rồi. Không thể thỏa mãn hết được. Vì hiểu khác nhau. Có cái mình nói đúng nhưng chưa nói được cho đại biểu hiểu được thì đại biểu không bằng lòng, có vấn đề mình nói chưa đúng thì đại biểu không bằng lòng.
* Bộ trưởng có nghĩ câu hỏi của đại biểu đặt ra với mình là quá khó?
- Không, các câu hỏi của đại biểu rất có trách nhiệm. Tất nhiên khó là do khả năng của mình trả lời, chứ không phải câu hỏi của đại biểu.
* Lần đầu tiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng có thấy run?
- Run thì không nhưng nhanh nên ghi câu hỏi không kịp.
Chủ đề chất vấn rất hay, ví dụ thủy điện Sông Tranh 2 thì nó an toàn rồi nhưng tại sao lại chưa tích nước bởi vì bà con chưa yên tâm, người dân chưa yên tâm, các nhà khoa học còn có ý kiến khác nhau. Vừa rồi hội nghị của Hội địa chất người ta đã khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn, không có tình trạng nền bị phong hóa như một số ý kiến đã nêu. Đây là những chuyên gia hàng đầu thế giới họ đã khẳng định như vậy rồi thì không có lý do gì nói là không an toàn, chỉ có một yếu tố để người dân yên tâm là vấn đề động đất kích thích, nếu cho mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm chưa nói đến người dân, cho nên phải thông cảm với bà con và phải quan tâm đến vấn đề này.
Việc giãn thời gian tích nước để có sự tính toán một cách kỹ lưỡng hơn vì mục tiêu số 1 là tính mạng, là an toàn của người dân. Mục tiêu chúng ta làm thủy điện cũng chính là vì người dân chứ không phải ai khác, mà làm thủy điện xong người dân không yên tâm thì không thể làm thủy điện được.
* Vậy Bộ trưởng nghĩ sao khi các chuyên gia nước ngoài do các cơ quan chức năng thuê về khẳng định đập an toàn còn nhiều nhà khoa học trong nước thì lại khẳng định ngược lại?
- Đấy là những vấn đề tranh cãi, không chỉ Việt Nam. Chẳng hạn như các nước họ xây dựng nhà máy điện hạt nhân, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng quyết định hay không là Chính phủ, trên cơ sở của những phương án tối ưu nhất để làm. Việc tranh luận của các nhà khoa học là hoan nghênh, là cần thiết, vì có tranh luận, phản biện thì mới tìm ra chân lý. Có thể không phải cứ đông mà đúng hoàn toàn, nhiều khi đông chưa chắc là chính xác. Nhưng các nhà khoa học hiện nay đã đi đến thống nhất rất là căn bản, thể hiện ở hội nghị, hội thảo địa chất của hội địa chất tổ chức vừa rồi.
Ý kiến đó giúp ích cho nhà quản lý, đặc biệt là Bộ Xây dựng - cơ quan quản lý chất lượng công trình. Chỉ một điều băn khoăn là động đất có quá 5,5 độ Richte không thì hiện nay đang mời các nhà khoa học hàng đầu có kinh nghiệm của thế giới đến để nghiên cứu, đánh giá toàn diện về rung chấn, địa chấn ở khu vực sông Tranh ở H.Bắc Trà My (Quảng Nam).
Bảo Cầm (thực hiện)
Bình luận (0)