Cũng theo anh Tuấn, theo dõi từ thực tế và các mô hình mà Báo Thanh Niên giới thiệu qua diễn đàn, có thể thấy rằng những bạn trẻ thành công trong tự tạo việc làm, ngoài kiến thức, kỹ năng đều hội tụ phẩm chất cơ bản: có chí hướng khởi nghiệp, niềm đam mê và tinh thần dấn thân, không ngại thất bại để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Dù nắm bắt được nhu cầu khởi nghiệp, đồng hành với thanh niên lập nghiệp, T.Ư Đoàn không có điều kiện đáp ứng mà chỉ có vai trò tham mưu đề xuất cơ chế, tạo ra công cụ hỗ trợ thanh niên trong tự tạo việc làm. Thế nên giúp thanh niên khởi nghiệp rất cần chia sẻ từ cộng đồng xã hội, doanh nghiệp thành công nhằm tạo ra chính sách hỗ trợ ban đầu với thanh niên tự tạo việc làm.
Ngoài các cơ chế chính sách hiện có, trong nội dung đề án 103 không chỉ tạo ra thiết chế trong tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm, T.Ư Đoàn đang trình Thủ tướng phê duyệt thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm tạo ra nguồn tài chính giúp thanh niên chủ động tạo việc làm, khởi nghiệp sau đào tạo. Bên cạnh đó, Đoàn cũng tích cực tham mưu với ngân hàng chính sách, liên kết với ngân hàng thương mại nhằm tạo ra các chương trình vay vốn với hạn mức lớn, hỗ trợ lãi suất cho các dự án khởi nghiệp, tự tạo việc làm tiềm năng, có khả năng giải quyết việc làm cho nhiều người.
Theo anh Tuấn, để xu hướng tự tạo việc làm khởi nghiệp lan tỏa sâu rộng trong thanh niên, ngoài tổ chức Đoàn, cơ quan chuyên trách về lao động việc làm, cộng đồng xã hội cần có giải pháp căn cơ. Dẫn chứng từ cuộc khảo sát cá nhân ở trường đại học, anh Tuấn chia sẻ, nếu hỏi 10 sinh viên về dự định sau ra trường thì có đến 8-9 bạn trả lời tìm cơ hội việc làm ở cơ quan này, đơn vị kia. Có rất ít bạn trẻ nghĩ đến khởi nghiệp bằng các mô hình kinh tế do mình gây dựng. Công tác tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phải bắt đầu từ rất sớm, thậm chí là bậc tiểu học, để học sinh nhận thức việc học tập tích lũy kiến thức tự tạo việc làm, khởi nghiệp bằng các ý tưởng cá nhân cũng là đóng tích cực cho đất nước.
Phan Hậu
Bình luận (0)