Bài 2: "Khoán trắng" người tâm thần cho bệnh viện

13/11/2012 08:50 GMT+7

(TNO) Trong khi tỉ lệ người tâm thần gây án đang gia tăng, phức tạp và nguy hiểm thì việc lưu giữ, điều trị và quản lý đối tượng này hiện được “khoán trắng” cho các y bác sĩ.

Bác sĩ bị đánh, doạ giết

Cả nước hiện có ba trung tâm lưu giữ, điều trị bắt buộc đối với người gây án có các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần là: Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư (Thường Tín, Hà Nội); Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng và Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam (Biên Hòa, Đồng Nai). Tất cả đều là cơ quan y tế.

Khoa bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam là nơi quy tụ những người từng gây ra những vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây như: Lâm Tiến Dũng (48 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) - người tạt axít cả nhà hàng xóm, khiến 4 người nguy kịch; Cao Quốc Huy - người khống chế trẻ em làm con tin tại Trường mầm non 10A (số 47 Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM)… 

 
Khoa Bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam là nơi lưu giữ, điều trị bắt buộc duy nhất cho tất cả các đối tượng phạm tội tâm thần ở phía Nam

Chỉ với một khu điều trị bệnh, quy mô 100 giường, Khoa bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam là nơi lưu giữ, điều trị bắt buộc duy nhất cho tất cả các đối tượng phạm tội tâm thần của phía Nam. Cả nam, nữ, từ người bị bệnh nhẹ đến những người bị tâm thần nặng, nguy hiểm và những người có bệnh truyền nhiễm như HIV, viên gan siêu vi… đều ở chung với nhau.

Thế nhưng, cả khoa chỉ có 5 bác sĩ và hơn 20 điều dưỡng cùng nhân viên phục vụ. Các bác sĩ vừa điều trị, theo dõi bệnh nhân lẫn giám định tâm thần các trường hợp hình sự do công an, cơ quan điều tra chuyển đến. Thậm chí, 5 năm nay, đơn vị này chưa được bổ sung một dược sĩ.

Bên cạnh đó, nhiều kẻ thụ án, phát sinh bệnh tâm thần trong trại giam cũng được chuyển về điều trị tại đây.

Theo luật, sau khi được điều trị, một số người phải trở về trại giam để tiếp tục thụ án. Vì thế không ít kẻ lợi dụng việc điều trị bệnh có kế hoạch trốn viện để khỏi phải về trại giam thụ án sau khi hồi phục.

“Việc lưu giữ và điều trị cho các đối tượng phạm tội có vấn đề tâm thần rất phức tạp và nguy hiểm. Trong khi đó, khu vực lưu giữ chỉ là một khoa bệnh với quy mô 100 giường”, bác sĩ Thành Quang - Trưởng khoa Bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam, nói.

Lỏng lẻo quản lý

Hầu hết các bác sĩ đang làm công tác điều trị cho các bệnh nhân tâm thần đều chung quan điểm, khi phạm tội, người bệnh tâm thần bị mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, không biết mình làm gì nên theo quy định của pháp luật họ không đủ khả năng nhận thức để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, đây là đối tượng nguy hiểm cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ.

Theo bác sĩ Thành Quang, ở các nước như Mỹ, Pháp đều có khu quản thúc, trại giam để cách ly người thần kinh nguy hại, tội phạm tâm thần. Thế nhưng, ở nước ta việc điều trị và lưu giữ những người tâm thần gây án được “khoán trắng” cho y bác sĩ, trong điều kiện thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, thiết bị lẫn nguồn nhân lực.

Không ít người bị bệnh tâm thần sau khi điều trị xong được trả về địa phương lại tiếp tục gây án.

Đơn cử như trường hợp một người bị bệnh tâm thần đã hiếp, giết một trẻ bán vé số đã được đưa đến Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam điều trị bắt buộc. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân được giám định sức khỏe và xuất viện nhưng sau đó lại “ngựa quen đường cũ”. Người này đã ra vào viện đến lần thứ ba.

Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện tâm thần TP.HCM, VN hiện chưa có luật quy định về người tâm thần. Thế nên không hề có ràng buộc pháp lý hay quy định nào bắt buộc người bị các vấn đề tâm thần gây án, sau khi xuất viện phải được theo dõi, giám sát tại địa phương. Trong khi đó, bệnh tâm thần phân liệt rất dễ tái phát nếu bệnh nhân không uống đủ hoặc bỏ thuốc.

Giả điên trốn án

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Quang, Trưởng khoa Bắt buộc chữa bệnh, Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư - Phân viện phía Nam kể nơi đây từng tiếp nhận giám định và phát hiện không ít trường hợp tội phạm giả bệnh tâm thần hòng trốn án.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an Q.3 (TP.HCM) đã chuyển đến phân viện giám định trường hợp H.V.C. (25 tuổi, quê Yên Bái) về hành vi trộm cắp tài sản. Trong quá trình tạm giam, đương sự không hợp tác, khai báo và có những hành vi bất thường nên Công an Q.3 đưa đi giám định tâm thần.

Mặc dù nghi can có ý không trả lời hoặc trả lời lung tung với bác sĩ và cơ quan điều tra; nói chuyện lẩm bẩm một mình; đối thoại với vật dụng, lúc lầm lì, lúc vờ cười đùa nhưng qua quá trình theo dõi, phân tích, các bác sĩ nhận định những hành vi này chỉ là biểu hiện bên ngoài, không đúng theo quy luật logic của bệnh lý. Tất cả các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng về nội khoa, thần kinh, tâm thần của đối tượng đều bình thường.

Bài, ảnh: Nguyên Mi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.