Nông dân mở thư viện tư nhân

16/11/2012 04:00 GMT+7

Hơn 10 năm nay, ông Huỳnh Tấn Hưng ở Mỹ Lộc (H.Tam Bình, Vĩnh Long) vẫn kiên trì lặn lội khắp nơi xin sách báo về phục vụ người dân quê mình. Ông là nông dân hiếm hoi ở ĐBSCL đứng ra thành lập thư viện tư nhân ở vùng quê hẻo lánh.

Bảng hiệu nhỏ bằng gỗ đề “Thư viện tư nhân Tứ Hưng” treo phía trên hiên ngôi nhà lợp lá khiến người qua lại con đường quê cong quẹo ở ấp 8 phải chậm lại nhìn. Bên trong căn nhà không cửa là những kệ sách được kê tươm tất. Ngay lối ra vào là dãy bàn đá, nơi nam phụ lão ấu xa gần đến quây quần bên những quyển sách. Cha bị rắn cắn phải đi thầy thuốc, cậu bé Huỳnh Tấn Chơn (13 tuổi) được phân công ở nhà trông coi thư viện với trên 3.000 quyển sách các loại. Hơn 10 năm nay, nhà ông Huỳnh Tấn Hưng (51 tuổi) lúc nào cũng có người túc trực hướng dẫn, đón tiếp bà con tới tìm sách như thế.

Trước ông Hưng làm công tác Đoàn, rồi làm trưởng ấp. Nhà có quán cà phê cóc, mỗi lần đi họp thì ông xin tất tần tật những gì “có chữ đọc được” là mang về nhà, từ báo cũ, tờ rơi tuyên truyền phòng trừ sâu bệnh, an toàn giao thông, sinh đẻ có kế hoạch… Ở vùng quê thiếu sách báo thì những thứ đó trở nên quý hiếm. Nhà ở gần con lộ đất, người qua lại thấy cảnh nông dân già trẻ xúm lại nhà ông Hưng đọc sách báo mà xúc động. Ông Hưng kể, đầu tiên có hai “bà Tây” ở Quỹ bình đẳng giới Đan Mạch - Thụy Điển đi qua thấy người ta đọc sách ở dưới tán cây, đã thông qua xã tặng cho chiếc tủ đựng sách.

Đó là tài sản đầu tiên của thư viện. Kế đến, nhiều người xa gần nghe tiếng có người đứng ra mở điểm đọc sách cho nông dân đã nhiệt tình ủng hộ. Ông Bùi Chí Hiếu (công tác ở Sở GD-ĐT Vĩnh Long) tặng cho bộ sách giáo khoa; ông Tám Phong (Phó chủ tịch huyện) mỗi tháng về thăm chị ruột ở gần đó cũng không quên mang theo báo cũ trong tháng được gói cẩn thận để tặng lại cho người dân đọc. Ông Phi (ở phòng Nội vụ) đi họp ở đâu có sách mang về là tặng lại cho ông Hưng. Một nhà thơ ở Sài Gòn, hay một nông dân ở trong xã…, mỗi người một ít đã góp vào mà tủ sách càng đầy hơn. Người đọc ngày càng đông hơn. Ông Hưng bàn với vợ dẹp luôn quán cà phê, dành mặt bằng cất lại căn nhà cho sạch sẽ để có chỗ bà con đến ngồi đọc sách.

Tuy số lượng sách báo “hảo tâm” ngày càng nhiều, nhưng vẫn chưa phong  phú. Năm 2008, ông Hưng xin thư viện tỉnh cho đi thi tại Hội sách TP.HCM, mà mục đích lớn nhất của ông là tìm nguồn… xin sách. Nhưng bất ngờ, lần đó “thủ thư nông dân” này đoạt luôn giải đặc biệt, được cử báo cáo điển hình ở Hà Nội. Ông Hưng nhớ lại: “Cơ hội tới khi tui đến bắt tay ông Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL), được ông giới thiệu với cán bộ ở các tỉnh. Gặp ai tui cũng xin số điện thoại để sau này liên hệ… xin sách. Mình xin về cho người dân của mình, đâu phải xin cho riêng mình nên tui không ngại”.

Có được “nguồn” sách, ông Hưng phải đi như con thoi đến các tỉnh, đi Sài Gòn, liên hệ với các nhà xuất bản, các thư viện… Mỗi lần mang được một bao sách về là cả nhà ông coi như được mùa lúa. Từ nguồn sách “hảo tâm” này, cùng với số sách luân chuyển của Thư viện tỉnh Vĩnh Long, hiện thư viện Tứ Hưng của nông dân Huỳnh Tấn Hưng đã có thường trực trên 3.000 đầu sách. Từ nhiều năm nay, đây là nơi lui tới thường xuyên của những nông dân, học sinh, sinh viên và của cả cán bộ địa phương đến tìm tài liệu phục vụ công tác.

Vậy ông nhận được gì từ việc mở thư viện miễn phí này? Ông nông dân cười hiền: “Mấy đứa con tui hằng ngày mê đọc sách mà học giỏi cả đó chú”. Nhà ông hiện có 4 người con tốt nghiệp đại học. “Ấp 8 của tui có tới 70 -80 người học đại học rồi chứ đâu ít”, ông khoe.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.