* Đề xuất thành lập Hội đồng lập pháp thuộc QH * Bình đẳng, chống độc quyền trong kinh tế
(TNO) Chiều nay (15.11), Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, vấn đề quyền công dân, quyền con người và sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế đã được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm.
Phân định quyền công dân - quyền con người
Nhiều ĐB cho rằng cần phân định rành ròi quyền công dân và quyền con người, đồng thời đảm bảo thực thi các quyền này trong đời sống xã hội.
“Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mở rộng thêm nhiều quyền công dân. Tuy nhiên cần phân biệt quyền con người và quyền công dân vì quyền công dân là thể chế hóa quyền con người. Đối với quyền con người, Nhà nước không thể bảo đảm thực hiện hết được, còn quyền công dân là quyền mà Nhà nước bảo đảm thực hiện hết, đầy đủ. Hai loại quyền này có chế độ pháp lý khác nhau”, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) phát biểu.
|
ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề xuất ban soạn thảo nên đối chiếu thêm tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc về nhân quyền để xác định chặt chẽ hơn các quy định về quyền công dân và quyền con người.
Khẳng định kinh tế độc lập tự chủ
Bên cạnh đó, một số ĐB cũng tham gia ý kiến đề nghị làm rõ hơn khái niệm sở hữu toàn dân và việc đảm bảo bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chống độc quyền.
“Sở hữu toàn dân là khái niệm chung chung, vì vậy nên cụ thể là sở hữu nhà nước, sở hữu quốc gia để quy định trách nhiệm quản lý”, ĐB Đinh Thị Phương Lan nói.
Đồng thời, ĐB Lan phân tích trong Dự thảo có nêu “đảm bảo cho các thành phần kinh tế bình đẳng”, “chống độc quyền” nhưng lại xác định “kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo” thì liệu có đảm bảo bình đẳng, chống độc quyền trong nền kinh tế?
Theo các ĐB, nên lấy “kinh tế trong nước đóng vai trò chủ đạo”. ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) cho rằng: “Phải khẳng định và đưa lên hàng đầu việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”.
Đề xuất thành lập Hội đồng lập pháp thuộc QH
Tham gia ý kiến, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) quan tâm đến quy định về quyền, trách nhiệm của các ĐBQH. Cụ thể, Dự thảo cần bổ sung nội dung “việc phát ngôn và biểu quyết của ĐBQH trong các phiên họp QH không bị xem xét trách nhiệm”. Vì theo ĐB Khánh, sau kỳ họp QH vừa qua, một số ĐB có ý kiến chất vấn, phát ngôn tại kỳ họp khi về địa phương đã bị “xem xét trách nhiệm” về phát ngôn đó.
Đồng thời, ĐB Khánh cũng đề nghị với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí do QH, HĐND bầu ra, nếu vị trí nào không đủ phiếu tín nhiệm thì phải từ chức.
Trong phiên thảo luận, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đã đề xuất thành lập Hội đồng lập pháp thuộc QH. Theo ĐB Lê Thanh Vân, QH chỉ làm Hiến pháp và các đạo luật lớn. Sau đó, Hội đồng lập pháp sẽ lo các văn bản dưới luật, bổ sung, chỉnh sửa khi có thay đổi cho phù hợp để tránh việc pháp luật lỗi thời, không theo kịp thực tế hoặc các cơ quan chậm tiến hành văn bản hướng dẫn dưới luật.
Trong cả ngày mai, QH sẽ tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nguyên Mi
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì
>> Chất vấn tại Quốc hội: Vì sao hàng giả, độc hại tràn lan?
>> Quốc hội thảo luận tại tổ: Bàn việc sửa đổi Hiến pháp
>> Quốc hội cần lập cơ quan độc lập điều tra tội phạm tham nhũng
>> Y đức, "phong bì" trong ngành y tế làm "nóng" nghị trường
Bình luận (0)