Cơn khát máu người ở dã thú

17/11/2012 03:05 GMT+7

“Sát thủ hàng loạt” như con báo xơi tái 15 người ở Nepal, có thể thèm thịt người do bị thu hút bởi vị mặn trong cơ thể chúng ta.

Lâu lâu báo đài lại đưa tin những vụ thú hoang giết người trên thế giới, các chuyên gia động vật càng có cơ sở để chứng minh rằng một số loài động vật ăn thịt có thể biến thành “kẻ săn người hàng loạt”. Gần đây nhất là vụ một con báo ở Nepal bị cho là đã giết và ăn thịt ít nhất 15 người trong vòng 15 tháng qua. Và chuyên gia George Burgess, Giám đốc Chương trình nghiên cứu cá mập ở Florida (Mỹ), cho hay chuyện một vài cá thể động vật học được cách tấn công con người là điều hoàn toàn có thể xảy ra. “Những động vật họ mèo lớn có thể cho rằng con người là mục tiêu dễ nuốt trong một số trường hợp”, ông Burgess cho biết.

Một con báo bị lạc vào khu cư dân ở Ấn Độ
Một con báo bị lạc vào khu cư dân ở Ấn Độ - Ảnh: AFP 

Trong trường hợp con báo ăn thịt người ở Nepal, có thể con vật đã nghiện việc nhấm nháp vị mặn trong máu người. Nạn nhân mới nhất của nó là một bé trai 4 tuổi, và người ta chỉ tìm được phần đầu của đứa trẻ ở khu rừng gần nhà. Maheshwor Dhakal thuộc Bộ Các công viên quốc gia và bảo tồn hoang dã ở Kathmandu cho rằng ngay khi báo và những loài mèo lớn khác bắt đầu săn con người, rất khó buộc chúng dừng lại. “Do máu người mặn hơn máu động vật, một khi thú hoang đã nếm được chúng không còn thích những sinh vật khác”, đài CNN dẫn lời ông Dhakal, một chi tiết khiến chúng ta nhớ lại loài ma cà rồng trong loạt phim Chạng vạng.

Tuy nhiên, quá trình thèm thịt người không phải bỗng dưng phát sinh trong một sớm một chiều. Điều này không thể xảy ra nếu con thú không thường xuyên tiếp cận được “nguồn thức ăn”. Johnny

Rodrigues, Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm bảo tồn thiên thiên Zimbabwe, cho biết thú hoang dạo gần đây thường bị đưa tin là xuất hiện tại khu vực nông thôn, nhưng trên thực tế có thể con người đã ngày càng lấn sâu hơn vào lãnh địa vốn thuộc về động vật hoang dã. Về phần các loài mèo lớn, thông thường chúng hay tấn công bò, cừu và các loài gia súc khác, chứ hiếm khi theo đuổi con người.

Ông Burgess kể lại 2 trường hợp cá mập liên tục tấn công con người. Cả hai đều xảy ra ở vùng biển ngoài khơi Ai Cập, và một phần do lỗi của con người, dù không trực tiếp. Chuyên gia Mỹ giải thích các tàu hàng từ Úc và New Zealand thường chở cừu sống đến Ai Cập để phục vụ các nghi lễ hiến sinh. Cừu chết trên đường thường được vứt xuống biển, và cá mập quen với việc được ăn thịt cừu. Do ăn quen, chúng cứ bơi theo tàu, nhờ vào dấu vết để lại trên biển khi thủy thủ dọn chất thải cừu. Một con cá mập vây trắng và một cá mập mako đã theo dấu vết này, vốn kéo dài từ New Zealand đến Hồng Hải. Khi lạc vào vùng nước cạn dành cho du khách, chúng đã tấn công con người vì đói.

Những vụ chạm trán như thế đã nhắc chúng ta nhớ rằng con người không phải lúc nào cũng đứng đầu chuỗi thức ăn. Kirsten Jenkins, nhà nhân loại học thuộc Đại học Minnesota (Mỹ), giải thích rằng loài linh trưởng Proconsul, được cho là tổ tiên của cả người hiện đại lẫn tinh tinh, là thức ăn của vô số loài ăn thịt. Hồi đầu năm nay, hóa thạch của một loài cá sấu có sừng khổng lồ, tên khoa học là Crocodylus thorbjarnarsoni, được tìm thấy cạnh Australopithecus, họ hàng người đã tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu thiên về giả thuyết con cá sấu này thường xuyên đánh chén người tiền sử.

Trở lại thời hiện đại, ông Burgess lưu ý rằng bản thân con người cũng trở thành mục tiêu ăn thịt của đồng loại khát máu. “Một số người như Jeffrey Dahmer, kẻ sát nhân người Mỹ, đã ăn một số nạn nhân của hắn”, Burgess nói.

Hạo Nhiên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.