Giao mùa, dịch bệnh bùng phát

16/11/2012 09:51 GMT+7

Thời điểm giao mùa tháng 10, 11 hằng năm là mùa đầy lo ngại với những người làm công tác dịch tễ Đà Nẵng, bởi đây là thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội...

Dịch sốt xuất huyết tăng 7 lần so với cùng kỳ

Một trong những dịch bệnh bùng phát cao nhất trong những ngày qua tại địa bàn Đà Nẵng đó là dịch sốt xuất huyết (SXH). Theo số liệu thống kê từ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP.Đà Nẵng, trong những tuần vừa qua, tốc độ dịch SXH tăng mạnh nhất so với các tháng đầu năm. Trong 2 ngày 12 và 13.11, có hơn 55 ca mắc SXH xuất hiện. Mật độ người mắc bệnh được xem là dày đặc nhất lại xuất hiện ở những khu đông dân cư như quận Hải Châu (174 trường hợp), Thanh Khê (91 trường hợp), Sơn Trà (92 trường hợp), Cẩm Lệ (83 trường hợp)... Chỉ số muỗi và bọ gậy qua điều tra tại các điểm có xuất hiện dịch đều vượt ngưỡng cho phép rất lớn, vì vậy dịch bệnh SXH càng có khả năng phát triển mạnh, như tại phường Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ), chỉ số dụng cụ chứa nước có bọ gậy nhiều gấp 4 lần cho phép.

 Bệnh viện Phụ sản- Nhi luôn đông bệnh nhân đưa con đến khám và điều trị những bệnh về hô hấp khi thời tiết giao mùa
Bệnh viện Phụ sản- Nhi luôn đông bệnh nhân đưa con đến khám và điều trị những bệnh về hô hấp khi thời tiết giao mùa - Ảnh: Diệu Hiền

Theo các bác sĩ của khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm, sở dĩ dịch bùng phát mạnh mẽ như hiện tại là do một phần người dân còn quá thờ ơ với việc làm sạch vệ sinh môi trường, tiêu diệt bọ gậy tại môi trường sống, nên khó có thể kìm hãm được sự gia tăng mạnh mẽ của dịch khi xuất hiện. May mắn là tuy dịch bùng phát nhưng chưa xuất hiện trường hợp bệnh quá nặng, trường hợp tử vong. Việc hiện nay của lực lượng chức năng là giám sát chặt chẽ các ổ dịch, khoanh vùng dịch, xử lý môi trường trong vùng dịch bằng hóa chất để dập dịch. Các phòng y tế tuyến xã, phường, quận huyện cũng được tập huấn kỹ lưỡng để ngay khi phát hiện bệnh tại địa phương, có hướng dẫn, điều trị kịp thời cho người bệnh.

Bệnh về hô hấp của trẻ em gia tăng

Trong giai đoạn chuyển mùa này, số trẻ em mắc các bệnh về hô hấp cũng gia tăng cao. Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, sinh hoạt của các em, và cả đối với các bậc phụ huynh do phải bỏ việc để chăm sóc con cái.

 
Con số mắc SXH tại Đà Nẵng tính đến tuần thứ 45 (từ ngày 5 -11.11), đã là 608 trường hợp. Trong khi đó cùng kỳ năm 2011 thì chỉ có 85 ca, tăng hơn gấp 7 lần.

Tính bình quân từ tháng 9 đến đầu tháng 11, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 bệnh Nhi đến khám và điều trị những bệnh về hồ hấp tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi. Phần nhiều các em mắc những bệnh về viêm phổi, viêm họng cấp, viêm mũi, viêm phế quản... Trong khi đó, dịch bệnh mắc tay chân miệng (TCM) vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại, có khoảng 100 ca trong một ngày.

Do tình trạng bệnh nhân nhi gia tăng mạnh trong những tháng qua, khiến bệnh viện Phụ sản- Nhi luôn quá tải, bởi trong khi bệnh viện chỉ có khoảng 260 giường, nhưng có những thời gian cao điểm, số bệnh nhân nhi điều trị lên đến 700 bệnh. Nhiều giường bệnh nhân nhi phải nằm 2 em một giường hoặc bệnh viện phải kê thêm giường để bố trí đủ chỗ cho các bệnh. Các y, bác sĩ phải làm việc với cường độ cao để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Tình hình dịch bệnh giao mùa đối với bệnh nhân nhi đang có chiều hướng gia tăng mạnh, vì vậy, việc cần thiết làm đối với các bậc phụ huynh là giữ ấm, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho trẻ, tăng sức đề kháng trước thời tiết chuyển mùa đầy bất lợi đối với cơ địa non nớt của trẻ.

Quảng Trị: Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp

Từ đầu năm 2012 đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận hơn 1.200 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM. Bệnh phát hiện ở 130 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ chưa phát hiện). Tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Gio Linh số người nhiễm bệnh ất cao, nhất là trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi (chiếm tỉ lệ gần 50%)… Đặc biệt trong thời điểm tháng 9 tháng 10, dịch TCM đã quay trở lại với tốc độ lây lan nhanh. Có thời điểm, vì dịch bệnh khó lường, 2 điểm trường mầm non An Thơ và Phú Kinh (xã Hải Hòa, H.Hải Lăng) đã phải chủ động đóng cửa chờ dịch lắng xuống (Thanh Niên đã thông tin).

Huế: Bắt đầu dấu hiệu tăng  bệnh dịch

Theo thông tin từ khoa nhi Bệnh viện Trung Ương Huế những ngày gần đây, số lượng trẻ đến khám có tăng, từ 20 đến 30 trẻ. Vì thời điểm này thời tiết Huế đang chuyển mùa, nắng mưa thất thường kém theo gió lạnh... nên đa số trẻ đến khám vì bị tiêu chảy và viêm phổi, một số trẻ bị SXH. Tuy không nhiều nhưng đây là dấu hiệu của bệnh SXH ở trẻ bắt đầu vào mùa bệnh.

Quảng Nam: 1.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại số người nhiễm bệnh TCM trên toàn tỉnh khoảng 1.100 trường hợp; bệnh SXH là 150 trường hợp. Hiện trên toàn tỉnh, các bệnh xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa như: cúm, sốt rét, tiêu chảy, viêm đường tiêu hóa, hô hấp... có xảy ra. Tuy nhiên, so với năm ngoái thì số lượng người mắc bệnh không tăng lên do các địa phương đã chủ động phòng chống dịch.

N.Phúc - T.Khoa - H.Sơn

Diệu Hiền

>> Dịch bệnh tay chân miệng tăng đột biến ở ĐBSCL
>> Xuất hiện dịch bệnh heo tai xanh tại Kon Tum
>> Chuyên đề dịch bệnh sốt xuất huyết: Đẩy lùi dịch bệnh từ môi trường sống
>> Chuột nghiệp vụ" phát hiện ổ dịch bệnh lao
>> Kiểm soát dịch bệnh trong trường mầm non

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.