|
Hội thảo do Kiểm toán Nhà nước và Hội Kế toán công chứng Australia tổ chức.
Đại tá, PGS-TS Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), cho biết tình trạng xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc (TQ) đang diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Sau khi mua được khoáng sản, các đầu nậu dùng bộ hồ sơ mua bán với doanh nghiệp (DN) các tỉnh phía bắc, chủ yếu là Quảng Ninh, Hải Phòng để khai báo với cơ quan chức năng địa phương nhưng thực chất họ không vận chuyển khoáng sản ra Quảng Ninh, Hải Phòng mà xuất lậu thẳng sang TQ. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi.
Theo ông Trực, thời gian qua nổi lên 3 dạng DN liên quan đến hoạt động khai thác trái phép và buôn lậu khoáng sản. Dạng thứ nhất là những DN được Bộ TN-MT và UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi nhuận. Dạng thứ hai là các DN mua khoáng sản từ các DN được cấp giấy phép khai thác để xuất lậu sang TQ. Đây là các DN có quan hệ trực tiếp với các “ông chủ” người TQ. Hầu hết nguồn tiền của các DN dạng này là của các chủ hàng người TQ. Dạng thứ ba là DN vận tải, trực tiếp thực hiện hành vi xuất lậu khoáng sản sang TQ.
Hoạt động buôn lậu khoáng sản trên tuyến đường bộ nổi lên là xuất lậu quặng thô như sắt, mangan, chì, thiếc, kẽm… qua TQ thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Nguồn quặng từ các tỉnh phía bắc và bắc Trung bộ được các chủ đầu nậu dùng bộ hồ sơ vận chuyển, mua bán nội địa để vận chuyển bằng ô tô và tàu hỏa tập kết tại khu vực gần đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới, sau đó tìm cách thẩm lậu sang TQ. Tại các cảng đường thủy nội địa và trên tuyến đường biển nổi lên hoạt động buôn lậu các loại quặng titan, sắt, crom...; buôn lậu titan diễn ra tại các cảng biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhiều nơi cấp phép sai
Theo ông Lê Thế Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Thanh tra Chính phủ), tại nhiều nơi vẫn đang diễn ra tình trạng cấp phép khai thác tận thu khoáng sản sai quy hoạch, không đảm bảo trình tự thủ tục, không đúng với vị trí được giao tận thu; cấp phép khoáng sản không có sự thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định năng lực đầu tư theo quy định; cấp phép trong vùng khoanh định, khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản; cấp phép tại các khu vực chưa có quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản khi chưa được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ này có địa phương chiếm khá lớn từ 1/4 đến 1/2 số lượng giấy phép khai thác được cấp. Một số địa phương cho phép đầu tư nhiều dự án chế biến hoặc chế biến sâu khoáng sản chưa có trong quy hoạch mà không có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như của các bộ có liên quan…
Ông Chiến nhấn mạnh, vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, biên giới mỏ là dạng sai phạm chiếm tỷ lệ tương đối cao, có địa phương trên 60% số mỏ được cấp phép chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, nhưng vẫn khai thác khoáng sản. Một số tỉnh có hiện tượng chiếm dụng đất rừng cho hoạt động khai thác khoáng sản (mỏ than Đồng Rì chiếm dụng 1.343 ha, mỏ vàng Bồng Miêu, mỏ vàng Phước Sơn chiếm dụng tổng cộng 302,3 ha…) trong khi một số khu vực khai thác khoáng sản của các DN tại một số địa phương nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất nhưng chưa kịp thời làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định.
Quang Duẩn
Bình luận (0)