Khổ sở chống ngập

18/11/2012 03:05 GMT+7

TP.HCM có gần 50 điểm bị ngập thường xuyên. Thế nhưng, khi có điều kiện để nâng nhà chống ngập, người dân cũng bị làm khó.

Q.Bình Thạnh là nơi có nhiều điểm ngập trầm trọng lâu nay. Để khắc phục tình trạng này, một số tuyến đường chính đã được nâng lên nhưng cũng vì thế, người dân lại chịu cảnh ngập nặng nề hơn vì nền nhà thấp hơn mặt đường. Bà Đặng Phương Dung, nhà số 625/8 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.26, bức xúc kể lúc mới xây, nhà bà cao hơn mặt đường 40 cm. Sau đó, nhà nước dần nâng đường lên, đến nay, theo mốc xây dựng ban đầu thì mặt đường đã cao hơn nền cũ nhà bà Dung 1 m. Mỗi lần triều cường hoặc mưa lớn thì nhà bị ngập 40-50 cm. Căn nhà này trước đây vốn được cho thuê để làm khách sạn, nhưng vì ngập nước nên kinh doanh ế ẩm, người thuê trả lại cho chủ nhà. Đây là cảnh ngộ của nhiều hộ trong hẻm 625/8, có hộ phải xây bờ bao chống ngập.

Khổ sở chống ngập  
Cuộc sống của người dân TP.HCM bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tại Q.8, tình hình ngập nặng do nâng đường cũng tương tự. Ông Phạm Đình Sơn, ngụ nhà số 2800 Phạm Thế Hiển, P.7, than: “Cách đây 3 năm, đường Phạm Thế Hiển đã được nâng cao để chống chọi với các đợt triều cường nên nhiều nhà dân bên đường bị ngập nặng. Đặc biệt là tình trạng mất vệ sinh mỗi khi bị ngập do nằm sát kênh Đôi, kênh Tàu Hủ”. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục chuẩn bị nâng cao mặt đường Phạm Thế Hiển nên người dân ở đây đang lo lắng vì chắc chắn nhà dân hai bên tiếp tục ngập nặng hơn. Ông Sơn cho biết hiện nay mỗi lần triều cường, nhà ông bị nước tràn vô tới phòng ngủ. Nhiều người dân trên đường Phạm Thế Hiển đề nghị UBND TP sớm nạo vét rạch Bà Tàng, kênh Đôi... để thoát nước, hạn chế ngập thay vì cứ nâng đường nhưng không hết ngập.

Hầu hết người dân cho rằng không thể "đua" với nhà nước trong việc nâng đường - nâng nhà nên đành sống chung với nước ngập. Ở nhiều nơi, họ lại không thể nâng nhà chống ngập do bị trói bởi những quy định cứng nhắc, lạc hậu. Bà Đặng Phương Dung kể: “Cách nay hơn 2 tháng, tôi đã ký hợp đồng với một công ty để gia cố móng, cân chỉnh căn nhà cho ngay lại, đồng thời nâng toàn công trình lên cao để chống ngập. Hồ sơ gửi Phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh xin phép dịch chuyển công trình lên 1 m theo đúng quy trình nhưng không được duyệt. Lý do theo văn bản trả lời của bà Nguyễn Thị Châu Thi, Phó phòng Quản lý đô thị Q.Bình Thạnh, là vị trí này đã được Sở Xây dựng duyệt 1/500 kèm theo giấy phép xây dựng với chiều cao tối đa 13,2 m từ năm 1992. Đồng thời, phải đảm bảo hài hòa về hình thức, độ cao nền”.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại căn nhà số 625/8 nói trên, tường nhà đã bị ẩm lâu ngày có hiện tượng mục nát rất mất vệ sinh, vật dụng trong nhà bị hư hỏng rất nhiều. Thế nhưng, căn nhà không thể nâng nền lên được nữa vì nếu nâng thêm sẽ đụng trần nhà và nhà bị lún nghiêng. Bà Dung nói: “Tôi chỉ muốn sửa nhà để sống sạch sẽ, bớt khổ vì triều cường, tăng vẻ mỹ quan đô thị. Tiền sửa nhà phải đi vay ngân hàng và trả lãi, hai tháng nay giấy phép chưa xin được”. Về vấn đề này, một chuyên gia đô thị cho rằng giấy phép xây dựng khống chế chiều cao 13,2 m ban hành từ năm 1992, lúc đó nền đường chưa được nâng lên. Còn nay nền đường đã nâng cao thêm 1,5m, và có thể sắp tới còn nâng nữa nên quy định này đã lạc hậu. Vì vậy, chính quyền phải tạo điều kiện cho người dân sửa nhà chống ngập chứ không nên cứng nhắc.

Theo bà Dung, một điều hết sức khó hiểu là cũng với chiều cao ấy, nếu bà phá bỏ ngôi nhà hiện hữu để xây dựng mới thì được cấp phép, còn xin sửa chữa nâng nền thì không được.

Nguyễn Đình Mười

>> Dự án chống ngập khốn khổ vì… ngập
>> Cần hàng trăm tỉ đồng chống ngập úng ở Đà Nẵng
>> TP.HCM nghiên cứu kinh nghiệm chống ngập của Bangkok
>> Từ Bangkok nhìn lại việc chống ngập của TP.HCM
>> Dự án chống ngập cho nhiều thành phố
>> Hơn 310 tỉ đồng chống ngập nước tại TP.HCM

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.