Men gốm

18/11/2012 03:30 GMT+7

Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại những làng gốm một thời nổi tiếng: Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng, Đông Triều... Các “làng gốm” đã thay đổi theo hướng đô thị hóa, tính chất thương nghiệp đã và đang lấn dần tính chất làng nghề của những làng gốm cổ.

Quy trình sản xuất gốm men xanh trắng, men màu ở Bát Tràng, Đông Triều đã hiện đại hóa từ khâu tạo dáng đến lò nung. Men “công nghiệp” thay thế hoàn toàn chất liệu men truyền thống, hoa văn “dán” decan phổ biến hơn vẽ tay. Dù có vẻ rực rỡ hơn nhưng không có độ sâu của màu men và hầu như không còn những chi tiết “ngẫu hứng” của người thợ trên từng sản phẩm thủ công như ngày nào. Vì vậy làm mất dần sự độc đáo của sản phẩm qua loại hình, hoa văn, màu men, chưa kể nhiều sản phẩm bán tại đây được sản xuất từ nơi khác.

Những làng “gốm sành” vẫn giữ được sự độc đáo bắt đầu từ việc “bảo lưu” chất liệu: đồ sành mộc không vẽ men màu, không nhiều chi tiết trang trí. Chỉ màu nâu sành đã bao nhiêu sắc độ khác nhau, những giọt men sành đọng lại đầy ngẫu hứng. Vẫn phương pháp thủ công với bàn xoay và dụng cụ giản đơn, sản phẩm không chỉ là chum vại, tiểu sành hay vài loại đồ gia dụng xưa cũ mà đã có nhiều sản phẩm mỹ nghệ như tranh gốm, bình hoa, đèn trang trí... Tài năng người làm gốm ở đây, mà sự độc đáo khác biệt của mỗi nhà sản xuất cũng ở đây. Sự kết hợp giữa những người nghệ sĩ và người thợ làm gốm đã làm cho làng sành hồi sinh.

Đi dọc đường làng hai bên là những bức tường xây bằng bao nung, bằng tiểu sành phế phẩm phủ dây mướp mềm mại thấp thoáng hoa vàng mang lại cho làng gốm vẻ cổ xưa, tôi chợt nhớ câu chuyện trong một cuốn sách về gốm cổ: loại men rạn đặc biệt có được bắt đầu từ một “sự cố” của lò nung... Bạn hỏi sao nghề của tôi lại thích thú với sản phẩm bị hư hỏng? Đó là vì khi quan sát những phế phẩm do lỗi kỹ thuật chúng ta sẽ biết công nghệ, quy trình sản xuất, từ công đoạn tạo dáng, tráng men, tạo hoa văn, đến sửa sang, chồng lò, nung và hoàn chỉnh sản phẩm... Vài trăm năm nữa mà “đào bới” ở đây thì có khối hiện vật! Chứ sao nữa, làng gốm Chu Đậu từng rực rỡ hồi thế kỷ 15 - 16 nay đã trở thành khu vực khảo cổ gốm sứ nổi tiếng của nước ta. Nhưng tại sao lại cần vài trăm năm nữa khai quật lại, khi mà bây giờ có thể giữ gìn lò gốm này, lưu giữ những sản phẩm này cho đời sau? Tại sao các làng gốm không hình thành ngay một bảo tàng làng nghề? Trên thế giới đâu thiếu những bảo tàng như thế.

Giá trị của làng gốm không chỉ là sản phẩm chất lượng cao được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới, là sản phẩm mỹ nghệ có mặt khắp mọi miền đất nước, mà là làng gốm còn bảo tồn ngay trong nó tính truyền thống và tính độc đáo. Đó chính là di sản văn hóa phi vật thể - bên cạnh di sản vật thể là những sưu tập gốm sứ, sành, đất nung… đang được nhiều bảo tàng và nhà sưu tập lưu giữ. Sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể trong “du lịch và gốm sứ” thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống.

Nguyễn Thị Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.