Vấn nạn sạt lở

17/11/2012 11:00 GMT+7

Mỗi năm, tình trạng sạt lở diễn ra ở các khu dân cư, công trình ven sông, bờ kè, đường giao thông, cầu cống, các tuyến đê biển ở ĐBSCL gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.

Vụ sạt lở gần đây nhất là ở bờ sông Hậu, thuộc P.Bình Khánh (TP.Long Xuyên, An Giang): một vạt đất dài hơn 120 m, ăn sâu vào bờ gần 30 m đã lọt thỏm xuống sông, cuốn theo 6 nhà dân và 1 nhà máy nước đá; hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. UBND tỉnh An Giang phải thuê tư vấn khảo sát lập hồ sơ thiết kế và chọn nhà thầu sớm tổ chức thi công lấp ngay các hố xoáy… Không chỉ tiền của của người dân bị thiệt hại, mà chính quyền địa phương cũng phải tốn “ngân sách” để ngăn chặn sạt lở! Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương khác trong khu vực. 

Cầu Trà Niền (TP.Cần Thơ) bị sạt lở hơn 2 năm (ngày 6.3.2010), kéo theo 5 căn nhà trôi xuống sông và làm 2 người chết, nhưng đến nay những tổn thất của nó mới được “định vị”. Sau hơn 2 năm (bỏ hoang), chính quyền Cần Thơ cùng với các đơn vị liên quan mới tìm ra được giải pháp khắc phục “tạm” dự án cầu Trà Niền với số tiền lên đến 36 tỉ đồng, gần bằng với tổng vốn đầu tư  ban đầu (khoảng 40 tỉ). Được biết, trước khi triển khai công trình cầu Trà Niền, nhiều chuyên gia cảnh báo vị trí xây cầu có nguy cơ sạt lở, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, bởi nền đất yếu, lòng sông thường xuyên xảy ra sạt lở, vị trí xây cầu lại sát mé sông… nhưng các cấp chính quyền vẫn bỏ ngoài tai. Thống kê của các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu cho thấy có đến 80 khu vực sạt lở với tốc độ 5 - 10 m/năm. Cà Mau là vùng đặc trưng sạt lở ảnh hưởng thủy triều với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc…

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, kênh rạch có thể phân thành 2 khu vực: khu vực các sông chịu ảnh hưởng chủ yếu của thượng nguồn (sông Tiền, sông Hậu) và khu vực các sông, kênh rạch chịu ảnh hưởng chủ yếu của thủy triều. Sạt lở sẽ gia tăng do thiếu hụt bùn cát trong lòng dẫn. Giải pháp được các nhà khoa học hiện nay đưa ra là: thiết lập quy hoạch chỉnh trị cho hệ thống sông ở ĐBSCL và các sông, kênh rạch. Nghiên cứu ứng dụng các công trình chủ động điều chỉnh phân lưu lượng hợp lý ở các đoạn sông để giảm thiểu sạt lở, nghiên cứu giải pháp hợp lý chống sạt lở các kênh rạch giao thông chính trong vùng.

Tại An Giang, có 52 khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở cao. Đáng lo nhất là 4,3 km bờ sông Hậu đi qua TP.Long Xuyên, trung tâm tỉnh lỵ. Để “giữ” 4,3 km bờ sông này, Sở TN-MT tỉnh An Giang đang kiến nghị UBND tỉnh phê duyệt dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu, với kinh phí lên đến 2.400 tỉ đồng. Nếu như các địa phương trong vùng đều có dự án “chỉnh trị dòng chảy” như An Giang, chắc hẳn phải cần đến vài chục ngàn tỉ đồng, do vậy rất khó thực hiện trên diện rộng.  Các nhà khoa học khuyến cáo: đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, tốc độ sạt lở cao (nhất là khu vực có báo động cấp 2), các địa phương cần có kế hoạch để từng bước sơ tán toàn bộ tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Các công trình đã xây dựng, lấn chiếm ven sông, nhất là với các công trình lấn ra lòng sông, cản dòng chảy, tải trọng lớn trên bờ sông cần đề ra kế hoạch tháo dỡ kịp thời. Đồng thời, nghiêm cấm xây dựng các loại nhà cửa, công trình tạm trong phạm vi 20-30 m tính từ mép bờ sông khi chưa có quy hoạch công trình bảo vệ bờ.

Cao Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.