Chế tạo thành công mô hình tàu đệm khí

19/11/2012 03:05 GMT+7

Tàu này giúp tiếp tế lương thực, cứu hộ người dân ở những vùng bị cô lập sau các trận bão lũ. Ngoài ra, tàu còn dùng để chuyển hàng hóa từ những tàu lớn vào bãi cạn ở các đảo…

Đó là mô hình của nhóm sinh viên Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) gồm: Trần Khánh Duyệt, Vy Bảo Thịnh, Nguyễn Minh Phát, Ngô Trung Tuyến, Võ Trọng Thi. Sản phẩm vừa được trình làng tại Liên hoan Sáng tạo trẻ năm 2012 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Nói về ý tưởng chế tạo ra chiếc tàu, Võ Trọng Thi tâm sự: “Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.000 km, cùng hệ thống sông ngòi dày đặc là lợi thế phát triển các loại hình vận tải cao tốc mang tính linh hoạt để vận chuyển hành khách, nhất là trong ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay việc đi lại của du khách còn gặp nhiều khó khăn do phương tiện cũ kỹ, lạc hậu. Chính vì vậy, tụi mình muốn nghiên cứu chế tạo ra một loại phương tiện hiện đại nhằm chia sẻ những khó khăn cho ngành du lịch Việt Nam, cũng như giúp du khách cảm thấy thoải mái hơn khi đi du lịch bằng phương tiện giao thông mới lạ, an toàn và nhanh chóng. Tàu đệm khí ra đời từ những trăn trở ban đầu như thế”.

Trình bày về nguyên lý hoạt động của con tàu, Trần Khánh Duyệt cho biết: “Khác với các  loại  tàu đáy phẳng, tàu đệm khí hoạt động dựa trên sự tự nâng tàu trên mặt nước hay mặt đất bằng cách tạo ra áp lực dưới dạng một đệm khí. Cấu tạo bao gồm thân tàu, quạt nâng, chong chóng đẩy, váy đệm khí, hệ thống lái… Quạt nâng cung cấp khí làm váy được căng cứng và duy trì áp lực đệm khí trong không gian được vây bởi váy khí, bánh lái đặt ở phần đuôi tàu đảm nhiệm việc điều khiển tàu. Váy đệm khí được gắn chặt với phần thân tàu, giúp duy trì đệm khí dưới tàu. Chong chóng đẩy ở sau đuôi tàu, đóng góp lực đẩy chính cho tàu. Do khả năng lưỡng cư (tàu có thể hoạt động được trên mặt nước và mặt đất) nên nó còn có thể được sử dụng rộng rãi trong cứu hộ, thể thao dưới nước, hải quan, quân sự...”.

Ngô Trung Tuyến nói: “Việt Nam sở hữu khoảng 3.000 hòn đảo ven bờ, do đó chúng ta có thể triển khai sử dụng tàu đệm khí như một phương tiện vận chuyển chuyên chở hành khách và hàng hóa đi lại giữa đất liền và các đảo. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng tàu đệm khí để phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng ngập mặn ở những vùng sông nước rất hữu hiệu.

Nói về hướng phát triển của tàu đệm khí, Nguyễn Minh Phát bộc bạch: “Tàu đệm khí thuộc vùng giao thoa giữa kỹ thuật hàng hải và hàng không, nên khi được quan tâm đầu tư phát triển đúng mức thì nó không chỉ dừng ở đó mà sẽ tạo tiền đề cho các loại hình tàu có tốc độ cao phát triển như thủy phi cơ. Không những thế, việc chế tạo thành công mô hình tàu đệm khí đã khẳng định các kết quả nghiên cứu khoa học, khả năng xây dựng các quy trình công nghệ, khả năng nội địa hóa phương tiện giao thông nên sẽ tiết kiệm ngân sách cho nhà nước trong việc nhập khẩu các loại hình phương tiện giao thông tương tự. Một điểm rất quan trọng nữa là với thành công này, chúng ta cũng tạo ra sự kết nối tốt giữa các nhà khoa học thuộc đa lãnh vực như: hàng hải, hàng không, chế tạo, vật liệu, điều khiển, nhà máy đóng tàu dân sự lẫn quân sự”.

Tiến sĩ Lê Đình Tuân, Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật tàu thủy (Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), đánh giá: “Đây là đề tài nghiên cứu hết sức mới mẻ, thể hiện sự sáng tạo vượt bậc của sinh viên trong việc dám xông pha vào nghiên cứu những lĩnh vực khó mà ít người nghĩ đến. Từ thành công bước đầu như thế, nếu được nhà nước đầu tư nghiên cứu đúng mức cùng sự hỗ trợ giữa các ngành liên quan, chúng ta có thể tiến tới sản xuất đại trà tàu đệm khí để phục vụ trong nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả và tính ứng dụng rất cao”.

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.