Địa điểm 62-64 Trần Phú thuộc Q.Ba Đình, Hà Nội đã được Viện Khảo cổ học khai quật từ năm 2008. Tại đây, các nhà khảo cổ đã thu được một khối lượng khổng lồ các di vật xây dựng kiến trúc và đồ gốm sứ thuộc các thời kỳ lịch sử khác nhau, từ tiền Thăng Long đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Khối lượng di vật này hiện vẫn được tiếp tục chỉnh lý và nghiên cứu. “Điều đặc biệt chú ý trong số các di vật thời Lý ở địa điểm này, chúng tôi đã phát hiện được một chiếc đĩa sứ bị vỡ nhưng còn đủ dáng, trong lòng đĩa có dấu tích của 3 chữ Động Nhân Cung”, ông Bùi Vinh, nghiên cứu viên chính của Viện Khảo cổ, nói.
Tại hội nghị thông báo khảo cổ học 2012 vừa qua, ông Vinh đã công bố nghiên cứu của mình về chiếc đĩa này. Đây là một chiếc đĩa sứ trắng. Đĩa có kích thước khá lớn với đường kính miệng 21 cm, đường kính đáy 7 cm, cao 3,7 cm, được làm từ sét mịn màu trắng, phủ men trắng, đế rất thấp 0,3 cm. Trôn đầy để mộc, mép đế cắt phẳng, thanh mảnh. Lòng đĩa được trang trí hoa văn khắc vạch chìm dưới men với đồ án hoa văn hình đồng tiền. Trong mỗi ô của đồng tiền còn có các họa tiết những đường cong kết hợp với văn phẩy răng lược giống như những bông hoa. Các đường nét hoa văn khắc vạch rất phóng khoáng, mềm mại và mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật hoa văn thời Lý.
|
Ba chữ bằng Hán tự Động Nhân Cung (tức cung Động Nhân), được thợ gốm viết bằng đầu que trên nền xương dưới men trước khi nung và bố trí theo một trục dọc nằm chéo trong lỗ vuông hoa văn đồng tiền ở đáy lòng đĩa. Nét chữ cũng được viết bằng đầu que nông mờ nhưng đầy đủ và rõ ràng.
Đại Việt sử ký toàn thư đã hai lần nhắc tới cung này. Lần thứ nhất trong đoạn nói về vua Lý Thần Tông (1128-1138) sau khi lên ngôi đã làm lễ tôn thân phụ là Sùng Hiền hầu làm Thái thượng hoàng và thân mẫu là Đỗ thị làm Hoàng thái hậu tại đây. Sự kiện đó diễn ra vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1129. Lần thứ hai, sách ghi: “Ngày Giáp Thân, người nung ngói ở cung Động Nhân là Nguyễn Nhân dâng con rùa có 6 con ngươi, tiêu ức có hai chữ Phổ Nhạc”.
“Như vậy, ba chữ Động Nhân Cung được viết trên chiếc đĩa gốm thời Lý phát hiện ở địa điểm 62-64 Trần Phú chính là tên gọi của một cung điện đã được Đại Việt sử ký toàn thư nói đến vào thời Lý Thần Tông ở đầu thế kỷ 12”, ông Bùi Vinh cho biết. Vấn đề còn lại là cung Động Nhân có thực sự được xây dựng ở khu vực 62-64 Trần Phú hay không? Đâu là những chứng tích kiến trúc của cung điện này?
Để trả lời chính xác những câu hỏi trên, theo ông Vinh, còn cần thêm nhiều chứng cứ khảo cổ học lẫn thư tịch. Tuy nhiên, ông Vinh cũng lưu ý địa điểm 62-64 Trần Phú là nơi phát hiện nhiều gốm sứ và vật liệu kiến trúc thời Lý, như ngói, gạch, chân tảng trang trí hoa sen. Các hiện vật khác như lá đề trang trí rồng, phượng hoặc các tượng uyên ương... mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật kiến trúc Lý.
Còn nhớ, trong một báo cáo khoa học, TS Hà Văn Cẩn và ThS Lê Cảnh Lam đã nhắc tới dấu hiệu của khu lò gốm sứ tại phía tây Thăng Long thông qua khai quật ở địa điểm 62-64 Trần Phú. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện khối lượng rất lớn các di vật liên quan đến sản xuất gốm sứ (gồm các chồng dính, bao nung, nắp đậy bao nung...). Họ cũng tìm thấy hiện tượng than tro dày đặc tạo thành cả lớp đất đen xém lẫn than tro phân bố khắp toàn di chỉ.
Tuy chưa phát hiện được di tích lò nung gốm, nhưng việc xuất hiện các yếu tố, hiện tượng tại 62-64 Trần Phú dẫn đến có thể cho rằng khu vực phía tây Thăng Long đã có khu sản xuất gốm sứ. Các lò sản xuất gốm này được phỏng đoán là nhằm phục vụ nhu cầu của thành Thăng Long, bao gồm cả gốm ngự dụng và gốm dân dụng. Đến thế kỷ 16, các lò gốm ở đây có thể đã không còn sản xuất nữa do các khu vực sản xuất gốm khác phát triển mạnh như Bát Tràng và Hải Dương. Việc này đã đẩy các lò gốm ở khu vực Thăng Long đến chỗ suy tàn.
Song liệu lò gốm này có phải là nơi đã sản xuất ra chiếc đĩa Động Nhân Cung mà ông Vinh đang nghiên cứu? Những sản phẩm của lò gốm có liên quan gì tới những đồ gốm được sử dụng trong cung Động Nhân? Về liên quan giữa khu lò gốm này với chiếc đĩa Động Nhân Cung và cung Động Nhân, ông Vinh cho rằng nhiều khả năng chúng có liên quan tới nhau. Tuy nhiên, việc liên quan cụ thể ra sao các nhà khảo cổ vẫn cần nghiên cứu tiếp.
Trinh Nguyễn
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: “Trầm tích” Chăm Pa dưới đáy sông Hương
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Diện mạo mới của cụm tháp Hòa Lai
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Nhìn lại thành Xương Giang
>> Những phát hiện khảo cổ 2012 - Cơ hội tìm chính điện thành Hồ
>> Những phát hiện khảo cổ 2012: Cụm 3 chùa cổ tại Tuyên Quang
Bình luận (0)