Gừng: Thường được dùng để ướp thịt, cá và khử mùi tanh. Trong gừng có chứa men Zingibai làm thịt nhanh mềm. Nên sử dụng luôn vỏ vì có tác dụng chữa bệnh và tăng hương vị. Không nên dùng những củ gừng để lâu vì có chứa độc tố lưu huỳnh gây hại cho gan. Gừng giúp cải thiện quá trình tiêu hóa và ngăn ngừa các rối loạn dạ dày. Gừng còn giúp ổn định lưu lượng máu và duy trì huyết áp.
Hành: Hành có tác dụng trừ phong, lợi tiểu, giúp tiêu hóa và chống viêm. Hành dùng làm gia vị trong nhiều món ăn như kho, canh, các món xào, nấu, cháo… Phần củ hành thường dùng làm gia vị ướp thịt, tôm, cá làm chả, trộn gỏi…
Tỏi: Tỏi có tính sát trùng cao, giải độc tốt, lợi tiểu. Người ta thường dùng tỏi để chữa cảm cúm, phòng chống các bệnh huyết áp cao, xơ cứng động mạch, ung thư, trừ giun kim… Tỏi được dùng trong các loại nước chấm, xào, nấu, ngâm chua, ăn sống. Khi xào các món ăn dùng nhiều loại gia vị cần phi thơm trước, nên cho tỏi vào sau cùng để không làm cháy nó, món ăn sẽ có vị đắng. Không nên dùng quá nhiều tỏi vì mùi nó sẽ lấn át mùi thơm của thịt.
Nghệ: Nghệ được coi là một loại gia vị vàng, có công dụng lớn trong việc chữa lành các vết thương, chống viêm, giảm sưng tấy. Nghệ tây có tác dụng ngăn chặn các tác động của một loạt hợp chất hóa học có khả năng gây ra căn bệnh ung thư và khôi phục các chất chống ôxy hóa (như Superoxide dismutase) có tác dụng ức chế tế bào ung thư. Tinh nghệ (Curcurmin) có tác dụng tăng tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa nhưng lại không tăng tiết dịch vị dạ dày. Vì thế, khi bị viêm loét dạ dày hay có các bệnh về gan, sử dụng nghệ rất tốt.
Rau răm: Rau răm có tác dụng kích thích tiêu hóa, sát trùng, tiêu thực…, không thể thiếu trong các món gỏi hải sản, cháo lươn, cháo gà, cháo vịt, nhất là hột vịt lộn…
Rau mùi (ngò): Vị thơm, kích thích tiêu hóa, phát tán phong hàn, trừ phòng, thông khí… Hạt ngò còn được dùng chữa tắc tuyến sữa, nóng gan, mặt bị nám đen… Ngò gai cùng với húng quế không thể thiếu trong phở bò. Nước ngò gai sắc đặc còn có tác dụng chữa chứng hôi miệng rất hiệu quả.
Thì là: Vị cay, thơm mát, chữa nôn mửa, đầy hơi… Món cháo ám (cá lóc nấu với gạo dư) rắc thì là và hành xắt nhỏ; món lẩu cá điêu hồng nấu mẻ với thì là và hành xắt khúc… đều là những “tuyệt tác” ẩm thực Việt Nam.
Kinh giới, tía tô: Là những gia vị phổ biến để ăn bún chả, bún ốc, lươn om… Kinh giới, tía tô có tác dụng giải độc hải sản tuyệt vời và kháng lại Histamin (chất gây dị ứng).
Hạt tiêu: Trong hạt tiêu có một lượng tinh dầu rất nhỏ lưu giữ hương thơm. Do đó, cách tốt nhất khi sử dụng tiêu là ăn đến đâu mới xay đến đó. Hạt tiêu xay sẵn để lâu ngày sẽ mất mùi. Khi chế biến, đợi đến khi thức ăn đã chín mới cho tiêu vào hoặc chỉ rắc vào món ăn khi đã dọn ra đĩa hay tô.
Theo Lương y Hoài Vũ \ Người Lao Động
Bình luận (0)