* Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh làm Tổng thư ký ASEAN
Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) là văn kiện chính trị đầu tiên phác thảo khuôn khổ tăng cường hợp tác và bảo vệ nhân quyền ở khu vực. AHRD gồm 40 điều khoản, khẳng định mọi công dân ASEAN có 4 nhóm quyền căn bản về dân sự và chính trị; về kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền phát triển; và quyền hưởng hòa bình. Các quyền này được xây dựng trên những nguyên tắc căn bản là bình đẳng, tôn trọng đặc thù khu vực và sự đa dạng của mỗi quốc gia.
Việc thông qua AHRD khẳng định ASEAN cam kết tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của 600 triệu công dân trong khối. Phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 21 tại Phnom Penh (Campuchia) sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Việt Nam hoan nghênh việc ASEAN thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN”, bởi nó “phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc đề ra trong Hiến chương ASEAN và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân”. Giáo sư Chan Heng Chee, cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, ghi nhận AHRD là “điều không tưởng” đối với ASEAN ở thời điểm cách đây 5 năm.
Thúc giục Trung Quốc đàm phán về tranh chấp
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan trong cuộc họp báo sau phiên toàn thể cho biết các lãnh đạo đã đồng thuận đưa ra đề nghị hối thúc Trung Quốc sớm tham gia tiến trình đàm phán cấp cao về soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC). “Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen sẽ gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và sẽ nêu đề nghị mà ASEAN đã đồng thuận”, ông Pitsuwan cho biết. “Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích, gây quan ngại và lo lắng cho cả cộng đồng quốc tế nên các lãnh đạo ASEAN muốn thấy đàm phán bắt đầu càng sớm càng tốt”, ông nói thêm.
Cũng tại hội nghị, các lãnh đạo đã chính thức thông qua đề cử của Việt Nam, bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh vào vị trí Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ từ ngày 1.1.2013 - 31.12.2017. Trả lời báo chí quốc tế bên hành lang hội nghị, ông Lê Lương Minh nói: “Thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay là làm sao đạt được mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, và văn hóa - xã hội vào năm 2015”. Vì vậy, đây sẽ là ưu tiên của ông với vai trò Tổng thư ký ASEAN trong vòng 5 năm tới. Để thực hiện được mục tiêu này, nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác và nâng cao năng lực Ban Thư ký ASEAN là 2 trong số những bước đi mà ông sẽ thực hiện đầu tiên và xuyên suốt.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu hòa bình và hòa giải ASEAN (AIPR), cơ quan có vai trò thúc đẩy hợp tác giải quyết hòa bình các tranh chấp và hợp tác chính trị - an ninh nói chung. Hội nghị cũng phê duyệt sáng kiến Đối thoại Toàn cầu ASEAN, cho phép cuộc đối thoại đầu tiên diễn ra vào sáng 20.11 trước khi khai mạc Thượng đỉnh Đông Á (EAS) giữa lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và 8 đối tác đối thoại gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Mỹ và Nga.
Hôm nay, chương trình tiếp tục với các cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước ASEAN với từng đối tác (ASEAN + 1) gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ cũng như ASEAN + 3.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp lãnh đạo Singapore, Philippines Ngày 18.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ thăm chính thức Việt Nam và hai bên sẽ tiến hành ký kết Tuyên bố về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai thủ tướng nhất trí rằng hòa bình, ổn định ở biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển chung của toàn khu vực. Vì thế, các nước ASEAN cần có sự đoàn kết thống nhất và có lập trường chung về vấn đề này. Lập trường này cũng được khẳng định trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Benigno Aquino III. |
Thục Minh
(từ Phnom Penh, Campuchia)
Bình luận (0)