Vì sao phim Việt thất thế trên sân nhà ?

19/11/2012 04:00 GMT+7

Trong một thị trường với hơn 80 triệu dân, điện ảnh Việt đang phát triển thiếu định hướng.

Khi “bom tấn” Avatar, rồi sau đó là Kungfu Panda 2, Transformers... vượt mức doanh thu 1 triệu USD tại thị trường VN, thì gần như những nhà làm phim Việt chấp nhận nhường “sân chơi” điện ảnh cho Hollywood. Có chăng chỉ là “vớt vát” vào dịp tết cổ truyền, khi khán giả vốn quen với thể loại phim hài Việt bỏ tiền mua vé.

Nguồn thu khổng lồ

Năm 2011, 17 phim Việt ra rạp so với 106 phim nhập ngoại. Ông Brian Hall, Giám đốc điều hành Công ty Megastar, trả lời báo giới, ước tính doanh thu phòng vé tại VN năm 2011 đạt hơn 35 triệu USD. Dĩ nhiên con số đó phần lớn của các phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện VN có khoảng 184 phòng chiếu khắp cả nước, dự báo tăng lên 350 phòng năm 2016, với doanh thu bán vé đạt khoảng 110 triệu USD - một nguồn thu không nhỏ.


Phim Long ruồi của đạo diễn Charlie Nguyễn đạt doanh thu 2 triệu USD tại Việt Nam - Ảnh: đoàn phim cung cấp
 

Hội nghị thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012-2015 diễn ra tại Hà Nội tháng 7.2012, do Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Huỳnh Vĩnh Ái và Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan chủ trì cũng đã đưa con số thống kê trong quý 1/2012 doanh thu điện ảnh tại VN đạt 13 triệu USD, tăng hơn 6 lần so với cả năm 2000 (2 triệu USD).

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là so về số lượng lẫn tính hiệu quả thì hệ thống rạp do nhà nước quản lý không thể cạnh tranh với các rạp tư nhân hay liên doanh đầu tư nước ngoài. Tại Hà Nội, các rạp ở vị trí “đắc địa” như Đống Đa, Fansland, Điện ảnh Quân đội... đều hoạt động cầm chừng, có rạp trở thành nơi kinh doanh giải khát hay ngừng hoạt động. Tương tự tại TP.HCM, nhiều rạp chiếu phim do nhà nước quản lý đã biến mất như Hồng Liên, Toàn Thắng, Đại Quang, Quốc Thái, Cầu Bông, Vườn Lài..., thậm chí rạp của Fafilm TP.HCM cũng hoạt động cho có.

Thiếu đầu tư chiều sâu

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh con số “chỉ 17 phim Việt ra rạp so với 106 phim nhập ngoại” năm 2011, diễn viên Trần Bảo Sơn, Giám đốc Công ty phim Thần đồng, chia sẻ: “Làm phim ở VN phải chấp nhận độ rủi ro cao khi không có trong tay hệ thống phân phối phim. Vòng luẩn quẩn cứ diễn ra: làm phim kinh phí cao dẫn đến thua lỗ và cơ hội bán phim ra thị trường nước ngoài gần như bằng không”.

Còn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói thẳng: “Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ làm phim có nghề, được đào tạo. Chuyện nguồn vốn đầu tư, theo tôi không hề ít nếu có dự án phim hay. Tôi dư sức làm một năm 2 phim, các nhà đầu tư cũng sẵn lòng bỏ tiền nhưng không tìm đâu ra kịch bản tốt”.

Thiếu đầu tư chiều sâu nên phim Việt dễ cho ra đời kiểu ăn xổi - thỏa mãn tức thời nhu cầu thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm, mà không có hoạch định cụ thể một chiến lược dài hạn cho việc phát triển tương lai như Hàn Quốc hay Hồng Kông - Trung Quốc từng làm.

Trên thực tế, những người bỏ vốn hiện nay để làm phim chủ yếu là các công ty phát hành phim, công ty truyền thông, các nghệ sĩ, diễn viên. Quá ít nhà đầu tư dẫn đến số lượng phim Việt ra rạp trong năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, cộng thêm việc nhà nước không hạn chế phim ngoại nhập được chiếu tại VN bằng hạn ngạch (do gia nhập WTO), nên số lượng phim Hàn, Trung, Mỹ rồi cả Ấn Độ chiếm đa số ở các rạp là đương nhiên.

Mặt khác, chưa thể thành lập Hiệp hội Phát hành phim với mục đích bảo vệ nền điện ảnh Việt nên nhiều đại diện các công ty điện ảnh nhà nước cho rằng “thả nổi” việc nhập phim, chỉ quản lý bằng kiểm duyệt như hiện nay là chưa đủ, bởi những nhà nhập phim tư nhân, liên doanh nước ngoài dễ định đoạt việc sắp xếp lịch chiếu, ấn định giá vé và dĩ nhiên khó tránh khỏi chuyện độc quyền hay thao túng thị trường điện ảnh.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.