Hợp tác đa phương cho vấn đề biển Đông

21/11/2012 03:05 GMT+7

Theo các chuyên gia, đàm phán đa phương cho vấn đề biển Đông đã mang lại tín hiệu khả quan trong thời gian qua và là xu hướng tất yếu.

Phát biểu trong Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về biển Đông đang diễn ra tại TP.HCM, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nêu rõ: “Năm qua, chúng ta cũng chứng kiến những nỗ lực vượt bậc của các bên trực tiếp và không trực tiếp liên quan đến tranh chấp, góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy hợp tác để biển Đông tiếp tục là khu vực hòa bình”. Ông Quý nhấn mạnh: “Trong nhiều hội nghị, trên nhiều diễn đàn chính thức của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, biển Đông […] đã trở thành chủ đề quan trọng được quan tâm và thảo luận thẳng thắn hơn, thực chất hơn trên tinh thần tôn trọng luật pháp, công khai, minh bạch, vì lợi ích của các bên liên quan và lợi ích chung của cả cộng đồng quốc tế”.

Do vậy, với việc tranh chấp trên biển Đông trở thành mối quan tâm lẫn quan ngại chung trong cộng đồng quốc tế, phương thức thảo luận đa phương đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong những cột mốc quan trọng đánh dấu những tiến bộ trong tiến trình giải quyết bất đồng.

Hợp tác đa phương cho vấn đề biển Đông
Các chuyên gia quốc tế thảo luận tại hội thảo - Ảnh: Ngô Minh Trí

Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội thảo, các chuyên gia quốc tế đều nhất trí với quan điểm trên. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nói: “Cho dù có ý kiến cho rằng không nên quốc tế hóa vấn đề biển Đông, nhưng thực ra nó đã được quốc tế hóa từ cách đây 10 năm, ngay từ lúc Trung Quốc và ASEAN tiến hành đàm phán để cho ra đời Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, hãy nhớ lại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á năm ngoái khi có ý kiến cho rằng không nên đưa biển Đông vào chương trình nghị sự, thì 16 quốc gia trong tổng số 18 nước tham gia đã không đồng ý và tiếp tục thảo luận về vấn đề này”.

GS Thayer kết luận: “Do vậy, không có gì ngăn cản được các hội nghị quan trọng trong khu vực tiếp tục thảo luận chuyện biển Đông. Điều quan trọng là chính nhờ phương thức thảo luận và đàm phán đa phương mà vào tháng 7.2011, các bên liên quan đã cho ra đời bản hướng dẫn thực thi DOC để tiến tới thành lập Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Đây là kết quả quan trọng mà phương thức đa phương mang lại, nếu so với 5 hay 10 năm trước khi các bên liên quan hầu như không đạt được gì đáng kể”.

Tiến sĩ Mark Valencia của Viện Nautilus (Mỹ) thì chỉ rõ điểm lấn cấn trong việc tiếp cận phương thức đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN: “Trung Quốc viện dẫn một điều khoản trong DOC cho rằng giải pháp của bất đồng trên biển Đông chỉ nên được giải quyết giữa các bên liên quan. Trong khi đó, ASEAN khẳng định phương thức đàm phán của mình nhằm hướng tới bộ quy tắc điều chỉnh hành vi”. Ông Valencia kết luận với Thanh Niên: “Và do vậy, theo quan điểm của ASEAN, thì mọi đàm phán liên quan đến vấn đề biển Đông hoàn toàn có thể dựa trên cơ sở đa phương”. 

Cần một ASEAN gắn kết

Các chuyên gia quốc tế cho rằng vì tính cần thiết của việc duy trì phương thức đàm phán đa phương, ASEAN càng phải gắn kết hơn bao giờ hết để đảm bảo một COC chính thức và có tính ràng buộc pháp lý ra đời. Tiến sĩ Valencia khẳng định: “ASEAN phải có quan điểm trung lập, hướng tới tương lai và khuyến khích giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trên biển Đông”.

Thế nhưng, ngay cả những nước ASEAN được coi là có vai trò trung lập trong tiến trình đàm phán COC cũng có thể đánh mất vai trò này, xuất phát từ một vấn đề muôn thuở: yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng câu chuyện này vẫn cứ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xưa nay vẫn thế: Trung Quốc viện dẫn “đường lưỡi bò” để biện minh cho các hành động của mình trên biển Đông; các chuyên gia trung lập quốc tế tiếp tục phản bác tính giá trị của nó. Thế nhưng, chủ đề trên vẫn tiếp tục là điểm nóng bàn luận tại các cuộc hội thảo quốc tế.

Tiến sĩ Valencia chỉ rõ: “Không có gì mới, nhưng đường lưỡi bò ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình đàm phán COC. Vì nếu Trung Quốc tiếp tục mập mờ về các chứng cứ nhằm tuyên bố cái gọi là chủ quyền, đường lưỡi bò sẽ liếm luôn cả vùng kinh tế đặc quyền của Indonesia - nước đang có nhiều nỗ lực trung gian trong tiến trình giải quyết các bất đồng biển Đông”. Vì thế, theo ông, dưới con mắt của Trung Quốc, Indonesia vừa không trung lập cũng chẳng khả tín trong bất kỳ tiến trình giải quyết bất đồng hay đàm phán COC.

Với những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, chặng đường trước mắt của ASEAN để tiến tới bộ COC hoàn chỉnh còn lắm gập ghềnh, theo các chuyên gia. GS Thayer kết luận: “Để ASEAN đạt được đồng thuận về một dự thảo COC đã là một nhiệm vụ khó. Càng khó hơn khi phải luôn hết sức cẩn trọng vì theo tôi: một khi ASEAN đã đồng thuận ở từng điều khoản, dù là nhỏ nhất, trong dự thảo COC thì sẽ không có cơ hội thay đổi bất cứ điều gì khi đưa bộ quy tắc này ra đàm phán với Trung Quốc”.

An Điền

>> Khai mạc hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông
>> Hội thảo khoa học quốc tế về vật liệu MOF
>> Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ cụ rùa hồ Gươm
>> Hội thảo khoa học quốc tế 100 năm văn hóa Sa Huỳnh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.