Lướt qua các tên sách của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch là thấy sự nghiệp trước tác của ông gắn liền với sưu tầm và khảo cứu, biên dịch, chú giải những “cố sự”, khi thì gắn với cả trăm nhân vật, khi thì những di tích, danh thắng, nói chung là các giá trị mang tầm lịch sử và văn hóa Bình Định hoặc những tinh túy xưa của văn hóa phương Đông.
Có thể kể: Đào Duy Từ khảo biện, Trần Đức Hòa tư liệu, Mai Viên cố sự, Tang sự trích biên, Đào Phan Duân - lý lịch và tác phẩm, Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định, Chuyện cũ nhà sư Bình Định, Danh liên hợp toản, Cố sự Quỳnh Lâm, Những ngôi chùa trong tỉnh Bình Định, Văn thi liệu tầm nguyên tự điển… có cuốn vài trăm trang, có bộ sách đồ sộ vài ba ngàn trang. Dấu ấn rõ rệt nhất mà ông tạo được với người đọc là ý thức trách nhiệm, là niềm tự hào về các giá trị truyền thống đặc sắc của Bình Định và sự kỳ công sưu tầm, dịch giải, biên soạn.
|
Lấy sách làm thầy
|
Thực ra, từ lâu giới cầm bút từng trân trọng một Lộc Xuyên Đặng Quý Địch với cuốn sách viết về 55 nhân vật đã sống, “lập đức, lập công, lập ngôn” trên đất Bình Định từ cách đây 400 năm đến trước năm 1945. Cùng với Nước non Bình Định của Quách Tấn in cuối năm 1967, một văn sĩ tên tuổi và ông, một tác giả mới toanh, 2 cuốn sách không hẹn mà gặp, đã góp niềm trân quý, tôn vinh quê hương. Nhưng phải tới mấy năm gần đây, khi sách của ông in rộ, không ít người, cả ở Bình Định cũng ngạc nhiên về độ dày các trầm tích cổ mà ông lặng lẽ, miệt mài có được.
Với 25 đầu sách đã in và đã xong bản thảo đều gắn với chuyện cũ, tư liệu cũ, ít người biết cái vốn chữ Hán, chữ Nôm của ông thời Quốc ngữ lên ngôi là tự học. Ông giải thích việc học của mình đơn giản là thấy hệ thống văn hóa, triết học Đông phương quá đồ sộ và khao khát hiểu biết. Lộc Xuyên bắt đầu từ cuốn Tự học chữ Hán của Nguyễn Văn Ba, đọc thêm phần văn phạm chữ Hán của Phạm Tất Đắc, cuốn văn phạm qua cổ văn viết rất kỹ. Cách học của ông là vừa học vừa mày mò dịch Kinh Thi. Tất nhiên luôn có 2 ông thầy lớn là các cuốn Từ điển Đào Duy Anh và Tự điển Thiều Chửu.
So sánh 2 cuốn sách Nhân vật Bình Định (xuất bản năm 1971, tái bản 2006, 2008) và Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định (2009), thấy sự miệt mài và bề dày đáng nể phục về vốn Hán ngữ của ông. Cứ cho khi viết và in Nhân vật Bình Định ông chưa có nhiều tư liệu, 55 nhân vật của sách, ông hầu như chỉ kể lai lịch, công tích căn bản. Đến cuốn sách sau, viết lại 17 nhân vật cũ và 33 nhân vật mới, có thể nói vị nào cũng dày dặn tư liệu từ Hán ngữ, dễ dàng nhận thấy cái sở học mảng này của ông đã cận lý, nói vui theo kiểu kiếm hiệp: võ công đã có thể hành tẩu giang hồ.
Người ta thường nói “lấy sách làm thầy”, là nói chung về việc học không ngừng nghỉ, riêng sự học Hán ngữ của ông, câu này đúng với cả nghĩa đen. Có thể nói, thứ văn tự tượng hình có ma lực đặc biệt với ông và nó gắn với niềm yêu, niềm tự hào quê hương mà ông tự nguyện dành cả đời mình cho những đóng góp riêng biệt và thầm lặng ngót nửa thế kỷ qua…
“Có một số tiền để in cuốn khác”
|
Hành trình trở thành nhà biên khảo của Lộc Xuyên diễn ra trong lặng lẽ và thực sự ông chỉ được văn giới biết đến với sự ngạc nhiên, thán phục trong 15 năm nay, khi ông liên tục công bố các tác phẩm, có năm in đến 4 đầu sách. Lặng lẽ vì, trừ những cuốn Hán văn may mắn có được: Cố sự Quỳnh Lâm, Văn thi liệu tầm nguyên tự điển…, dấu chân ông đã miệt mài in khắp Bình Định đến từng ngôi chùa, những chuyến điền dã dài ngày, cặm cụi ghi chép những bia ký, liễn đối, từng trang gia phả…
Ví như, để có tư liệu cho bộ sách Những ngôi chùa tiêu biểu trên đất Bình Định, ông mất hẳn 3 năm, ngày này tháng nọ cho 108 ngôi chùa, 7 tịnh xá, 1 tịnh thất. Ấy là đi, còn các việc dịch thuật, chú giải, sàng lọc, truy nguyên tường tận để thành từng trang bản thảo lại là một công việc thầm lặng, nhọc nhằn hơn. Ông đề ra cho mình trách nhiệm phải hoàn thành mỗi ngày 3 trang, hôm nay không làm xong thì ngày mai phải làm bù, bất luận tâm trạng, việc nhà, tiếp khách.
Sách của ông rất giá trị trong việc bảo tồn văn hóa quê hương nhưng nếu bày ra ở nhà sách thì khó bán. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bậc trí giả sẽ không ngờ rằng trong Bình Định Hán văn trích diễm lại có văn bản tưởng đã thất truyền, là bức thư chữ Hán của quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng gửi quốc dân đồng bào kêu gọi đoàn kết đánh Pháp, 1946. Bản hùng văn này nhờ một nho sĩ Bình Định, cụ Hà Trì Trần Đình Tân ghi lại trong Danh nhân kiệt tác tập biên và được con cháu tin cẩn trao lại cho Lộc Xuyên. Quý và bán chạy khác nhau.
Chia sẻ đầu tiên của ông khi nghe tin được giải A Văn học nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu (2001-2005) của tỉnh Bình Định cho cuốn Mai viên cố sự, là “có một số tiền để in cuốn khác!”. Mà thực. Lộc Xuyên cứ lặng lẽ làm việc từng ngày hơn 40 năm qua rồi bằng tiền nhà do con cái tài trợ, tiền giải thưởng, tiền dịch thuê và của vài nhà hảo tâm mà in dần sách.
Cũng nhiều thua thiệt nếu toan tính. Cũng nhiều gian nan và đắng chát trong suốt hành trình “cố sự”, hành trình trở thành một Lộc Xuyên Đặng Quý Địch, nhà biên khảo đáng nể trọng. Còn ông khẳng định: “Quyết tâm ở lại đất nước để có được cả chục ngàn trang sách thế này cho quê hương là lựa chọn đúng của đời tôi”.
Lê Hoài Lương
Bình luận (0)