NSƯT Diệu Hiền-NSƯT Vũ Linh: Ấm tình thầy trò!

20/11/2012 09:30 GMT+7

Không có NSƯT Diệu Hiền sẽ không có NSƯT Vũ Linh như ngày hôm nay và ngược lại. Tình thầy trò của họ gắn bó, tận lực hỗ trợ nhau trên sân khấu cũng như trong cuộc sống.

 NSƯT Diệu Hiền-NSƯT Vũ Linh: Ấm tình thầy trò!  1

 NSƯT Diệu Hiền-NSƯT Vũ Linh: Ấm tình thầy trò! 2

 NSƯT Diệu Hiền-NSƯT Vũ Linh: Ấm tình thầy trò! 3
NSƯT Diệu Hiền và NSƯT Vũ Linh gắn bó nhau trong mỗi vở diễn

Trong giới sân khấu, từ trước đến nay có nhiều gương thầy trò sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng vươn tới thành công. Nhưng được “truyền tụng” nhiều nhất về tình yêu thương, hết lòng dìu dắt nhau vượt bao hoạn nạn để trụ vững trên sân khấu và trong cuộc sống thì phải kể đến thầy trò NSƯT Diệu Hiền và NSƯT Vũ Linh. 

Thương nhau như người thân

NSƯT Diệu Hiền có nhiều học trò nhưng đa số là nữ. Bà chỉ nhận một học trò nam là Vũ Linh. Nhắc lại thời trai trẻ đầy ngỗ nghịch của cậu học trò này, bà kể: “Cậu bé tên Võ Văn Ngoan nhưng không ngoan chút nào. Tôi nhận Linh theo học nghề lúc còn ở gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát dọn đến đâu đều bị mắng vốn do tật lý lắc, phá phách của Linh”.

Nữ nghệ sĩ lừng lẫy một thời trên sân khấu này cho biết có lần Vũ Linh đánh con của một quan lớn vì bị người này mắng “Lũ tụi bây là phường xướng ca vô loại”. Bà đã bắt Linh về quỳ gối trên vỏ sầu riêng và răn dạy cách cư xử ở đời đến tàn cây nhang mới cho đứng lên. 

Thời đó, bà thương cậu học trò chỉ toàn đóng vai kép phụ nên định năn nỉ anh kép chánh giả bệnh để học trò mình có dịp đóng thế vai ghi dấu ấn với bà bầu. “Nhưng rồi tôi nghĩ lại nếu chuyện đổ bể, Linh sẽ tổn thương. Khi hay tin nghệ sĩ Minh Tơ - thân phụ của NSND Thanh Tòng - nhận Linh vào đoàn, sau 3 tháng đã làm kép chánh, tôi khóc như mưa vì sung sướng” - NSƯT Diệu Hiền nhớ lại.

Với Vũ Linh, NSƯT Diệu Hiền không chỉ là người thầy dìu dắt anh trong nghề mà còn là người hết lòng vực anh dậy mỗi khi phạm lỗi lầm, sa cơ. Đời nghệ sĩ vốn lắm chông gai, lúc thăng lúc trầm, những lúc vấp ngã tưởng chừng đã buông tay tất cả cũng là lúc anh được thầy kéo ra khỏi vùng tối tăm.

Nam nghệ sĩ này xúc động kể lại: “Tôi không hạnh phúc trong chuyện tình cảm nên chán nản, tìm quên trong trò đen đỏ. Chị (NSƯT Diệu Hiền) biết, tìm đến tận nơi tôi đang sát phạt. Vừa nhìn thấy chị, tôi run quá, co chân chạy trốn. Chị nói lớn: “Mày có tin tao sẽ lao đầu xuống chung cư này nếu mày không đứng lại”. Tôi đứng lại, tưởng rằng sẽ nghe chị trút cơn giận. Nhưng không, chị ôm tôi vào lòng rồi khóc: “Công chúng cho mình ánh hào quang đâu phải để em sống như vầy?”. 

Không lâu sau, mẹ của Vũ Linh qua đời, con gái bỏ nhà đi xa. Anh khủng hoảng tinh thần, muốn buông xuôi tất cả. Lúc này, người thầy vẫn luôn dõi theo từng bước chân của học trò đã nâng anh đứng dậy: “Chị tìm con gái tôi về, rồi cùng tôi lo hậu sự cho mẹ. Tôi còn nhớ lời chị: “Hãy biến nỗi đau mất mẹ để hát thật hay, vì mẹ đã đưa em đến với nghề” - nghệ sĩ Vũ Linh kể.

Trả nghĩa cho thầy

NSƯT Diệu Hiền cho rằng có lẽ đời nghệ sĩ phải chịu nhiều nạn kiếp mới diễn hay, được khán giả thương. Khi còn trẻ, chị không ý thức lo chuyện sau này của bản thân nên cứ sống đời “gạo chợ nước sông”, tới đâu hay tới đó và khi gặp nạn, bên mình chỉ còn lại đứa học trò tận tâm lo cho thầy. “Cuộc hôn nhân không hạnh phúc với cố nghệ sĩ Út Hậu khiến tôi cô độc, tìm quên bên rượu, thuốc lá…

Một lần đi lưu diễn xa, nửa đêm hỏa hoạn xảy ra trên ghe khiến tôi bị phỏng 2/3 lưng. Nghe tin, Linh xin nghỉ hát 3 tháng để về Hậu Giang chăm sóc tôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Linh đút từng muỗng cháo cho tôi ăn mà nước mắt chảy dài” - NSƯT Diệu Hiền kể lại.

Lúc Vũ Linh gặp nạn được thầy tận tình giúp đỡ, hỗ trợ vượt khó, đến khi thầy gặp khó, học trò lại ra tay tương trợ. Họ giúp nhau ngoài tình nghĩa thầy trò còn là đồng nghiệp, những người chung “kiếp tằm phải nhả tơ”. Hiện tại, khi mọi sóng gió qua đi, Vũ Linh vẫn muốn trả nghĩa cho thầy.

Anh đã âm thầm mua trả góp đất Nhà nước phân phối theo tiêu chuẩn cho những nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến đối với sân khấu cải lương để tặng NSƯT Diệu Hiền. Bởi nữ nghệ sĩ này nay đã trên 70 tuổi mà vẫn phải đi ca ở quán bia vọng cổ mỗi tối để kiếm sống. Căn hộ tập thể của chị ở tầng 3 đường Tân Khai, quận 10 - TPHCM xuống cấp trầm trọng mà có đến hơn 10 nhân khẩu sống chen chúc trong đó. 

“Tôi không xem việc mua đất tặng thầy là trả ơn mà chỉ là sự sẻ chia, tăng thêm niềm tin vào nghề. Thầy trò tôi đã đi lên từ đôi bàn tay trắng, phải sống sao cho xứng với tình thương khán giả” - NSƯT Vũ Linh chia sẻ. Riêng NSƯT Diệu Hiền, bà sung sướng với món quà của người học trò “ngỗ nghịch” ngày nào, bởi từ mảnh đất đó bà đã có một căn nhà khang trang lần đầu tiên đứng tên mình. 

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.