Phát hiện chuột cống mang vi rút gây suy thận

20/11/2012 03:30 GMT+7

Kết quả kiểm nghiệm 25 mẫu chuột (chuột cống, chuột nhắt bắt ở khu vực P.9, Q.3) của Viện Pasteur TP.HCM mới đây cho thấy, có 3 mẫu dương tính với vi rút Hanta - một loại vi rút có thể gây suy thận và tử vong cho người.

>> Phát hiện chuột cống mang virus gây suy gan, thận tại TP.HCM

Liên tục tấn công người

Mới đây, bệnh nhân N.V.T (55 tuổi, ngụ đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM) được Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP xác nhận dương tính với vi rút Hanta từ chuột. Trước đó, vào tháng 9, ông N.V.T cùng con trai 16 tuổi nằm ngủ ở nhà thì bị chuột cắn vào ngón chân. Con ông T. đã đi chích ngừa uốn ván hai mũi (vào tháng 9 và tháng 10) ở Viện Pasteur TP, còn ông thì không. Sau đó ông T. bị sốt cao liên tục, cứ nghĩ là do sốt xuất huyết, và vào BV Bệnh nhiệt đới điều trị hôm 17.10. Nhập viện một ngày, ông T. bị suy thận. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông bị nhiễm vi rút nói trên. Ông T. đã được điều trị khỏi bệnh.

Bẫy chuột 
Bẫy bắt chuột tại khu vực phường 9, Q.3, TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

 

Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, một số bệnh thường gặp do chuột gây ra đó là: uốn ván, dịch hạch, vi rút Hanta... Vi rút Hanta ủ bệnh kéo dài từ một đến vài tuần, chúng có thể gây bệnh ở thận, phổi và có nguy cơ gây tử vong cao ở người. Người bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, đau nhức cơ thể, sốt cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, rất hiếm khi gặp phải, vì không phải ai bị chuột cắn cũng bị nhiễm vi rút này, mà chỉ lẻ tẻ, không phát triển thành dịch.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP cho biết, trước đây cũng đã có một bệnh nhân bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ chuột vì ăn ốc bươu (con ốc nhiễm phân chuột) chưa qua nấu chín. Và, một chung cư cũng từng bị chuột hoành hành, y tế dự phòng phải ra quân diệt chuột...

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Phó khoa Xét nghiệm lâm sàng, Viện Pasteur TP) cho biết: “Trung bình mỗi tháng, Viện tiếp nhận từ 30-50 trường hợp bị chuột cắn đến tiêm ngừa uốn ván. Các trường hợp này bị chuột cống, chuột nhắt, và cả chuột nuôi làm cảnh tấn công”. Viện vừa tiến hành lấy 25 mẫu chuột cống và chuột nhắt (bắt chuột ngẫu nhiên) ở khu vực gần nhà bệnh nhân N.V.T nhiễm vi rút Hanta nói trên để kiểm tra. Kết quả, có 3 con chuột cống mang vi rút Hanta.

Khẩn trương truy diệt

Trước tình trạng chuột tấn công người, trao đổi với Thanh Niên, TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho biết: “Hai tuần qua Trung tâm Y tế dự phòng TP đã phát hóa chất cho y tế dự phòng các quận huyện để tiêu diệt chuột. Hôm qua 19.11, trung tâm tiếp tục yêu cầu y tế quận huyện giám sát, phát hiện khu vực có nhiều chuột; tuyên truyền người dân phòng ngừa chuột cắn...”. Trước đây, tại TP.HCM cũng đã từng đề ra phương án diệt chuột bằng cách cho chuột ăn mồi nhằm gây bệnh ở chuột. Chuột nhiễm bệnh đó sẽ lây bệnh và giết chết cả đàn. Tuy nhiên, lúc đó, có nhiều người lo ngại, biện pháp diệt chuột này có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, vật nuôi khác, nên phương án bị dừng lại.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu cho rằng: “Việc tiêu diệt chuột không phải dễ, nhiều TP lớn ở các nước cũng khó khăn trong diệt chuột. Bởi, chuột rất tinh quái, sinh sản nhanh, và chúng đã quá quen với nhiều loại hóa chất. Nếu sử dụng rộng rãi hóa chất diệt chuột dễ làm ảnh hưởng đến môi trường, vật nuôi và sức khỏe con người. Lâu nay, ở những nơi chuột hoành hành dữ dội thì y tế dự phòng địa phương sẽ cho đặt thuốc diệt chuột, nhưng phải theo dõi 2-3 ngày sau đó, rồi dọn dẹp hiện trường để không gây nguy hiểm cho người. Giao cho người dân hóa chất diệt chuột rất nguy hiểm. Cũng có ý kiến đề cập đến phương pháp diệt chuột bằng sử dụng men vi sinh. Nhưng đây là giải pháp do một số công ty giới thiệu, chứ chưa có nghiệm thu nào từ phía cơ quan nhà nước. Việc dùng hóa chất đặt những nơi nhiều chuột chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là biện pháp lâu dài. Điều cần là không tạo điều kiện để chuột phát triển, trú ẩn - không vứt thức ăn bừa bãi; thu gom rác sạch sẽ, dọn dẹp gọn gàng các ngóc ngách”, ông Siêu nói.

TS-BS Lê Trường Giang (Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM) cũng cho rằng, rất lo ngại, vì chuột phát triển khủng khiếp, nhất là tại các TP lớn. Không chỉ gây hại về vật chất, đáng sợ nhất là chuột làm mất vệ sinh, mang mầm bệnh gây hại lên sức khỏe con người như bệnh dịch hạch, uốn ván và các mầm bệnh khác...

Thanh Tùng 

>> Mẹ" chó chăm 5 con chuột cống nhum
>> Biến chuột cống thành Pikachu
>> Chuột cõng... bể cá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.