Đó là nhận định và cũng là thông điệp của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc phỏng vấn với Thanh Niên bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN thứ 21 và các hội nghị liên quan vừa kết thúc hôm 20.11 tại Phnom Penh, Campuchia. “Một điều rõ ràng chúng ta thấy là trong khu vực và trên thế giới, ASEAN có một vai trò rất quan trọng và được khẳng định luôn có vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói.
Ông giải thích: “Cấu trúc ở đây là trong ASEAN với nhau, và ASEAN với các đối tác. Trong ASEAN là đương nhiên, nhưng hãy xem giữa ASEAN với Trung Quốc, với Mỹ, với Nhật Bản, với Hàn Quốc, và với các quốc gia trong Thượng đỉnh Đông Á (EAS), ASEAN luôn đóng vai trò trung tâm. Vì lẽ gì mà các nước lớn coi một tổ chức khu vực đóng vai trò trung tâm, nếu chúng ta so sánh với tổ chức khu vực khác?”.
|
Trong số các đối tác, ASEAN đã có quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Hiện nay, cả Ấn Độ và Mỹ cũng muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN. “Điều đó có nghĩa là vai trò của ASEAN được đánh giá cao. Và xu hướng là xây dựng quan hệ liên kết tốt hơn giữa ASEAN và các đối tác”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá và nói thêm: “Quan điểm của lãnh đạo các nước trong khối là tiếp tục nâng cấp quan hệ với các đối tác”.
“Để giữ được vai trò trung tâm như vậy thì các nước ASEAN phải đoàn kết, phải có khả năng thực hiện vai trò của mình”, ông nói. Vì vậy, phương châm của khối là đoàn kết và hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 trên 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế, và xã hội - văn hóa. Trong đó vai trò của nước giữ ghế chủ tịch mỗi năm là đặc biệt quan trọng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Năm 2013, Brunei sẽ nắm giữ vị trí này.
Nâng cao vị thế
|
Chương trình hội nghị ngày hôm qua bắt đầu bằng Đối thoại toàn cầu ASEAN (AGD) lần đầu tiên với sự tham dự của lãnh đạo một số nước ASEAN và đối tác, cùng đại diện một số định chế tài chính quốc tế. Trong vòng 2 giờ, diễn đàn đã thảo luận các biện pháp hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, phát triển bền vững. Các nước ASEAN cũng kêu gọi các đối tác và tổ chức tài chính quốc tế tiếp tục hỗ trợ ASEAN trong thực hiện các mục tiêu liên kết và hội nhập khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến AGD của nước chủ nhà Campuchia. Còn Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen thì nói tại cuộc họp báo rằng AGD là “nền tảng” giúp ASEAN thực hiện các mục tiêu và “nâng cao vị thế” của mình.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Việt Nam, Mỹ, Brunei, Malaysia, Singapore, New Zealand và Úc cũng họp cấp cao không chính thức Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của triển vọng liên kết kinh tế sâu rộng trong khuôn khổ Hiệp định TPP, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong tiến trình đàm phán gần 3 năm qua và nhất trí tiếp tục cùng nỗ lực để có thể hoàn tất đàm phán trong năm 2013.
Hội nghị kết thúc với 2 phiên họp quan trọng của EAS giữa lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và 8 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Mỹ và Nga. Hàng loạt vấn đề được thảo luận và cam kết. Các lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố EAS về sáng kiến phát triển Đông Á, Tuyên bố EAS về phòng chống sốt rét kháng thuốc, đồng thời chính thức khởi động đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Thục Minh
(từ Phnom Penh, Campuchia)
>> Campuchia sẵn sàng cho Hội nghị ASEAN
>> Campuchia thắt chặt an ninh cho Hội nghị ASEAN
>> Ông Obama sẽ đến Campuchia dự hội nghị ASEAN
>> Hội nghị phát triển bền vững ASEAN 2012 thu hút hơn 1.000 CEO quốc tế
>> COC “chưa được thông qua tại hội nghị ASEAN sắp tới”
>> Úc đặt trọng tâm chiến lược với ASEAN
Bình luận (0)