Kết nối trái tim tình nguyện

22/11/2012 03:00 GMT+7

Chiều tối 20.11, tại hội trường Báo Thanh Niên đã diễn ra buổi giao lưu, họp mặt ấm áp giữa nhiều thành viên đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện đang hoạt động tại TP.HCM.

Bán báo, trồng rau, đi hát...

Đại diện các đội, nhóm, CLB cho hay, một trong những khó khăn các bạn thường xuyên gặp phải chính là thiếu kinh phí hoạt động. Để tồn tại, các bạn đã tự thân vận động và tìm tòi những cách gây quỹ khá độc đáo.

Bạn Đặng Quan Trí, Đội trưởng đội tình nguyện Dấu Chân Xanh, tâm tình: “Đội mình chỉ mới thành lập cách nay được một năm. Tuy còn rất non trẻ nhưng đội đã thực hiện được 9 chương trình Kết nối yêu thương và một chương trình Mùa đông ấm áp đến với người nghèo, thiếu nhi cơ nhỡ”. Quan Trí cho biết, ban đầu, kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp của những tình nguyện viên, thành viên trong đội thông qua hình thức bỏ heo đất. Sau đó, các bạn đề ra một số phương án như: bán vé số, khai trương cửa hàng bán đồ làm bằng tay trên mạng. Không những thế, một số “giọng ca vàng” trong đội còn tranh thủ đi hát tại những tụ điểm giải trí, phòng trà để lấy kinh phí hoạt động tình nguyện. “Tụi mình tâm niệm, 40 thành viên hiện nay trong đội như anh em một nhà. Ngoài hoạt động chung, tụi mình còn chia sẻ với nhau về những trăn trở, khó khăn trong cuộc sống”, Trí tự hào nói.

Thành viên CLB Vì cộng đồng, Võ Ngọc Hạnh bộc bạch: “Do tình hình kinh tế khó khăn nên nhiều đơn vị đã cắt giảm tài trợ. Vì vậy, một số chương trình hiện nay tụi em thực hiện không được hoành tráng như trước”. Không chấp nhận hoàn cảnh, những thành viên CLB đã lên kế hoạch xây dựng mô hình Vườn rau sạch. Theo đó, các bạn xin những lô đất dự án tại những quận, huyện ngoại thành ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng rồi tận dụng sức trẻ của mình, tiến hành trồng rau mang tặng nhiều mái ấm, nhà mở.

Tuy mới thành lập vào đầu năm nay nhưng CLB Vòng tay ấm hiện đã quy tụ được khoảng 600 thành viên tham gia. CLB đã tổ chức ba chương trình lớn, đó là: Cùng nhau đi xe đạp tặng quà cho người nghèo; Hội trại hè tại Cần Giờ, TP.HCM và Trung thu cho trẻ em tại Bến Tre. Phan Văn Hận, Chủ nhiệm CLB nói: “Hoạt động của CLB tập trung hướng đến những người lang thang cơ nhỡ, khó khăn. Nguồn kinh phí chủ yếu là tự thân vận động bằng việc tâm huyết đóng góp và bằng nguồn quỹ bán báo”.

Trong khi đó, Hoàng Lê Vân Anh, CLB Nhân Ái TP.HCM cho biết, nguồn quỹ của CLB còn được chắt chiu từ việc bán ve chai, làm các sản phẩm làm bằng tay.

Trịnh Duy Kỳ, Hội Những người bạn Tây Ninh cũng nhìn nhận hội gặp nhiều khó khăn việc vận động kinh phí. Hiện hội này đang nỗ lực xây dựng một số trang web nhằm tạo thêm niềm tin cho những nhà tài trợ.

 
Thành viên CLB Vì cộng đồng - Võ Ngọc Hạnh trao đổi kinh nghiệm về các sự kiện làm tình nguyện - Ảnh: Đăng Nguyên

 
Đại diện các nhóm tình nguyện tại buổi giao lưu - Ảnh: Lê Thanh

Tiếp sức cho các nhóm

Bên cạnh kinh phí, vấn đề liên quan đến tư cách pháp nhân để tổ chức những chương trình từ thiện cũng khiến nhiều nhóm tình nguyện “đau đầu”.

Trần Hoàng Nhân, đại diện nhóm Thiện Tâm (tập hợp những người bạn từ Quy Nhơn vào TP.HCM học tập, làm việc), giãi bày: “Sau 2 năm hoạt động, nhóm đã có dự án xây dựng nhà cho người nghèo ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án trên, nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc vận động tài trợ, nhiều phường, xã cũng đòi hỏi thủ tục pháp lý. Những sản phẩm nhóm làm ra cũng khó bán, vì phải xin phép này nọ…”. Cô gái này cũng thẳng thắn cho hay, thời gian qua, nhóm không liên kết được các đội, nhóm khác nên chủ yếu chỉ làm được những hoạt động nhỏ lẻ. “Tụi mình mong muốn tham gia nhiều hoạt động lớn hơn, để đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng”, Hoàng Nhân nói.

Trong khi đó, Quan Trí, đội Dấu Chân Xanh cũng thừa nhận khó khăn chủ yếu của nhóm chính là tư cách pháp nhân. Quan Trí kể: “Khi đi vận động mà tụi mình không có giấy tờ gì để khiến mọi người tin tưởng ở nhóm cả. Vì vậy, họ thường hỏi ngược lại rằng: Có ai đứng ra bảo lãnh và bảo trợ cho nhóm không? Làm sao để tôi tin được những điều mà các thành viên trong nhóm làm là đúng? Tụi mình chỉ có lòng nhiệt huyết nhưng như thế cũng không thể thuyết phục được họ”.

Theo đại diện CLB Vòng tay ấm, do không có tư cách pháp nhân và không ai bảo trợ truyền thông (chỉ chủ yếu dựa vào Facebook) nên nhiều bạn khi đi bán báo cũng hay bị thiên hạ nghi ngờ “coi chừng tụi nó giả dạng để lừa đảo”.

Nguyễn Quang Đạt, thành viên của nhóm Người Việt Trẻ (tập hợp những thành viên từng tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”) cho biết: Sau hơn 5 năm hoạt động, nhóm đã tổ chức nhiều hoạt động, như: sửa chữa, làm mới những lớp học cho học sinh vùng sâu vùng xa; trao tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, tặng quà cho những gia đình chính sách, neo đơn… Dù đã có thâm niên, song nhóm cũng gặp khó khăn về việc bảo trợ thông tin, rất cần Báo Thanh Niên hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều đội, nhóm, CLB còn mong muốn có được một căn phòng nhỏ để chứa những vật dụng của đội, bởi phần lớn thành viên đều đang ở trọ.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ đại diện những đội, nhóm, CLB tình nguyện, ông Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động khi nghe những giãi bày trong trẻo của các bạn. Báo Thanh Niên sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong vấn đề giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm cũng như về truyền thông, pháp lý và những vấn đề liên quan đến cơ sở hậu cần cho hoạt động chung”.

Giải bóng đá Kết nối trái tim tình nguyện do Báo Thanh Niên tổ chức, dành cho những thành viên đội, nhóm, CLB tình nguyện. Giải diễn ra từ ngày 1 đến 29.12, tại sân bóng đá Tao Đàn, TP.HCM. Dự kiến sẽ có 16 đội bóng đá nam và 8 đội nữ tham gia. Đặc biệt, sau giải đấu sẽ có chương trình hoạt động từ thiện chung của các nhóm.

Như Lịch - Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.