Để cứu “con tàu đắm” này, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên từ bỏ tham vọng cường quốc đóng tàu để chuyển hướng sang nhu cầu thực tế của thị trường.
|
Thiếu lợi thế
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM trong một bài viết đã phân tích, xét về lợi thế so sánh, điều kiện hay lợi thế mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã từng có và Trung Quốc đang có để phát triển ngành đóng tàu thì VN gần như không có lợi thế nào. Việt Nam đang và sẽ rất khó cạnh tranh với Trung Quốc để đóng tàu vận tải cỡ lớn vì quốc gia này có thị trường nội địa rộng lớn, nhân công rẻ, vật liệu đầu vào như thép tấm, thiết bị nội thất tàu thủy đều sẵn và rẻ. Trong khi so với Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam không có được sự hậu thuẫn của Mỹ như hai quốc gia trên từng có trong quá khứ, trình độ tay nghề của kỹ sư, công nhân cũng thua một khoảng cách dài.
Đồng quan điểm này, kỹ sư Đỗ Thái Bình, một chuyên gia về đóng tàu và hàng hải, cho rằng: Chính phủ cần xem lại chủ trương phát triển ngành đóng tàu. “Tại sao Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia…, đều là những quốc gia biển, không tham vọng xây dựng công nghiệp đóng tàu đứng thứ 4 thế giới (sau Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc) mà Việt Nam lại đặt ra mục tiêu này. Đó là sự duy ý chí, sai lầm về chiến lược. Nên Việt Nam đừng hy vọng trở thành cường quốc đóng tàu vận tải cỡ lớn như Vinashin đã từng tham vọng”, ông Bình phân tích.
Trong thực tế, chính một cán bộ lãnh đạo Nhà máy cán nóng thép tấm Cái Lân cũng thừa nhận với PV Thanh Niên, nếu nhà máy này có sản xuất ra thép tấm thì giá thành chưa chắc đã cạnh tranh được với thép của Trung Quốc bởi ta phải nhập khẩu phôi khổ lớn của chính Trung Quốc, nên cơ hội thắng trong cuộc cạnh tranh này là rất khó. Còn nếu hạ giá thật thấp xuống để có đơn hàng đóng tàu thì lại lỗ vốn và nhà nước không thể bù lỗ mãi được.
Chuyển hướng
|
Theo ông Đỗ Thái Bình, những triền đà, ụ nổi cỡ lớn, hệ thống máy móc hiện đại như làm phân đoạn thẳng ở Dung Quất sẽ không cần đến trong tương lai nữa, nên bán càng nhanh càng tốt, rẻ cũng phải bán để thu hồi vốn. Nên tập trung vào đóng tàu chiến, tàu nhỏ, tàu chuyên dụng… Nhiều nhà máy đóng tàu ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã phối hợp rất tốt để đóng tàu quân sự trong các nhà máy đóng tàu dân sự.
Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Quốc phòng cắt giảm đầu tư, hiện đại hóa nhà máy đóng tàu quân sự để tận dụng thiết bị của các nhà máy thuộc Vinashin. Thậm chí, có thể bổ sung cán bộ của hải quân vào làm việc cùng với lãnh đạo các công ty đóng tàu để tổ chức thiết kế, phê duyệt thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu của tàu chiến. Ngoài ra, các tàu lớn, ụ nổi đang nằm vật vờ trên biển cũng nên được chuyển cho hải quân để biến thành tàu vận tải hoặc kéo ra đảo để phục vụ công tác huấn luyện, phục vụ phòng thủ đảo…
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần lên một tổng sơ đồ về nhu cầu tàu thuyền trên các khu vực như đường sông ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng…; nhu cầu vận tải, đặc thù vận tải đường thủy của các ngành như than, xi măng… để đưa ra được bức tranh tổng thể về nhu cầu tàu thủy cho thị trường nội địa, đó là căn cứ đầu vào để cải tiến các nhà máy đóng tàu hiện có cho phù hợp với thực tế.
Ông Đỗ Thái Bình cảnh báo: “Tôi được biết có ý kiến giao cho Vinashin đóng một số tàu cá, tàu hậu cần nghề cá. Cái này cần hết sức lưu ý, nếu giao cho Vinashin đóng thì cần xuất phát từ nhu cầu của ngư dân, tham khảo tàu cá nước ngoài, làm thử số lượng nhỏ để ngư dân đi biển thực tế, tránh làm đại trà kẻo chúng ta lại phải trả giá cho một sai lầm thứ hai”.
Còn theo TS Vũ Thành Tự Anh, nếu Vinashin theo đuổi kế hoạch phát triển ngành đóng tàu thì có lẽ thực tế hơn cả là chỉ nên tập trung vào một vài cụm công nghiệp đóng tàu, nơi có sẵn lợi thế và chấm dứt việc dàn trải ở hầu hết các vùng miền. Đồng thời, chỉ nên chọn những công đoạn phù hợp trong chuỗi giá trị toàn cầu trước khi có tham vọng phát triển tất cả các ngành phụ trợ. “Nhà nước có thể xem xét mở rộng thêm cơ hội và phương thức đầu tư cho các đối tác nước ngoài, nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, trên cơ sở đó thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hạ nguồn”, ông Tự Anh khuyến nghị.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam: Càng để càng chồng chất lỗ Tổng giám đốc Vinashin có nói rằng, bán cũng không ai mua, bán vướng thủ tục pháp lý, tôi cho rằng nói như vậy là chống chế thôi. Thực tế, hiện nay đối với tàu cũ không mang lại hiệu quả thì buộc phải bán, kể cả bán rẻ để giảm lỗ. Vấn đề này Bộ GTVT phải ra tay xử lý. Chúng ta cũng nên hỏi vì sao Vinalines, Vinashin không làm sớm mà cứ để lâu như vậy, Bộ GTVT cũng phải có trách nhiệm. Ví dụ tàu Hoa Sen mua về nằm đó, không chạy không có doanh thu, không có lương trả công nhân thì phải lấy từ các nguồn khác hoặc vay mượn, rồi cuối cùng chỉ tốn ngân sách nhà nước. Có thể họ không muốn bán vì sợ “cháy nhà ra mặt chuột”, mua vài chục triệu USD nay bán sắt vụn, sợ thất thoát tài sản, sợ trách nhiệm… Nhưng tàu cứ nằm đó, ngày qua ngày, lỗ chồng chất lỗ. Đã tái cơ cấu phải chấp nhận, cắt bỏ những cái không hiệu quả, lãng phí để kêu gọi đầu tư mới, cấu trúc lại hoạt động kinh doanh. Anh Vũ (ghi) |
Káp Thành Long - Mai Hà
Bình luận (0)