Người thất nghiệp chỉ muốn nhận “tiền tươi, thóc thật”

21/11/2012 18:15 GMT+7

(TNO) Thực tế này đang diễn ra tại nhiều địa phương, cho dù các trung tâm giới thiệu việc làm đã đưa ra những biện pháp, tạo mọi điều kiện để người thất nghiệp sớm quay lại thị trường lao động.

So với những tháng trước, số người lao động (NLĐ) đến trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) Hà Nội trong tháng 11 tăng đột biến.

Trung bình mỗi ngày có hàng trăm người đủ mọi thành phần ngành nghề, đến tìm hiểu thông tin, đăng ký bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, khi hỏi về nhu cầu tìm kiếm việc làm hay học nghề tại trung tâm, phần lớn NLĐ đều không mấy quan tâm. Đa phần, NLĐ đến chỉ với mục đích nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

Chị Trần Thị Trà My, kỹ sư công nghệ thông tin nói: “Khi tôi nghỉ việc, phòng nhân sự hướng dẫn đến trung tâm GTVL đăng ký BHTN. Đang thất nghiệp, được đồng nào hay đồng ấy, cứ nhận tiền tươi thóc thật cái đã. Phải có tiền để sống thì mới tiếp tục xin việc được”.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng phòng BHTN, Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Nội thừa nhận, số người được GTVL và học nghề chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau gần 3 năm thực hiện chính sách BHTN, tính đến cuối tháng 10, số người được tư vấn về việc làm, học nghề là 33.797 người. Tuy nhiên, số người được giới thiệu việc làm chỉ khiêm tốn 425 người (chiếm 1,24% tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp). Còn số người được hỗ trợ học nghề là 1.188 (chiếm 3,46%).

Nói về nguyên nhân, bà Loan cho rằng việc cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi, trung tâm không có điều kiện khảo sát tổng thể về “cầu” lao động của các DN trên địa bàn để cung cấp thông tin cho NLĐ. Số lượng các DN tham gia phiên giao dịch chỉ dao động từ 50 - 60 DN nên cơ hội tìm việc làm của các NLĐ, nhất là lao động chất lượng cao còn nhiều hạn chế.

Không riêng gì Hà Nội, tại nhiều tỉnh thành, số người được GTVL so với số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp còn chiếm tỷ lệ khá nhỏ. 10 tháng đầu năm 2012, tại TP.HCM, số người được tư vấn giới thiệu việc làm chỉ chiếm 8,15% số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn Hà Nội 1,06%. Cá biệt, ở Đồng Nai chưa có NLĐ nào được giới thiệu việc làm.

Theo ông Lê Quang Trung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) sự liên hệ, gắn kết giữa trung tâm GTVL với DN, đơn vị và các sơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động chưa chặt chẽ. Vì vậy, ngân hàng việc làm mà trung tâm cung cấp cho NLĐ chưa phong phú đa dạng. Hầu hết các trung tâm mới chỉ liên hệ gắn kết với các DN, đơn vị lớn. Còn nhiều DN vừa và nhỏ có nhu cầu tuyển dụng lao động chưa biết đến các hoạt động của trung tâm GTVL.

Thờ ơ học nghề

Nhằm giúp NLĐ nâng cao tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp để có nhiều cơ hội tiếp cận việc làm mới, chính sách BHTN còn hỗ trợ NLĐ học nghề.

Song chính sách này không được NLĐ hào hứng đón nhận. “Tôi muốn học nghề lái xe, nhưng học phí tới 6 triệu đồng/khóa. Trong khi, tiền hỗ trợ học nghề chỉ tối đa 900.000 đồng, nghĩa là tôi phải nộp thêm 5,1 triệu đồng nữa mới đủ. Chi phí sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, thất nghiệp còn chẳng đủ ăn, lấy đâu ra tiền bù thêm để học nghề”, anh Nguyễn Văn Minh (quê Phú Thọ) bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng lao động tiền lương, tiền công (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết: “Cũng có khóa học nghề chiêu sinh không đủ học viên nên người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải chờ đợi trong khoảng thời gian tương đối dài. Trong thời gian này, họ có thể tìm được việc làm nên không học nghề như đã đăng ký”.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Loan thừa nhận, mức hỗ trợ kinh phí học nghề cho lao động thất nghiệp so với thực tế (mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng, tương đương với học phí trình độ sơ cấp) còn quá thấp. Thời gian học nghề tối đa chỉ có 6 tháng gây khó khăn cho NLĐ khi có nguyện vọng tham gia khóa đào tạo trên 6 tháng và muốn học các nghề chất lượng cao.

Hơn nữa, các trung tâm GTVL những ngành nghề đào tạo chưa được đa dạng nên không đáp ứng được nhu cầu thay đổi nghề nghiệp của NLĐ. Hiện các ngành nghề đào tạo chủ yếu là các ngành sơ cấp, ngắn hạn như: sửa chữa xe máy, cơ khí điện tử - điện lạnh… không phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay tới đây Bộ sẽ tổ chức sắp xếp lại hoạt động sự nghiệp về BHTN của các trung tâm theo hướng phục vụ NLĐ, gắn kết hoạt động BHTN và dịch vụ việc làm theo mô hình khép kín, đảm bảo tất cả lao động đến đăng ký thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề qua trung tâm.

Ngoài ra, để khuyến khích NLĐ thất nghiệp học nghề hoặc nâng cao trình độ nghề, để có cơ hội tốt hơn trong tìm việc làm, sẽ nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp theo hướng hỗ trợ cho từng cấp học (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề).

Hải Bình

>> Thị trường lao động cuối năm
>> Chấn chỉnh để giữ thị trường lao động Malaysia
>> Khó hòa nhập thị trường lao động sau khi đi xuất khẩu về
>> Thị trường lao động cần tay nghề cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.