Thông qua luật Thủ đô

22/11/2012 03:40 GMT+7

Phiên họp chiều 21.11, với 377 ĐB tán thành, 75 ĐB nhấn nút không thuận và 14 ĐB không biểu quyết, QH đã thông qua luật Thủ đô. Ngoài ra, được 385/463 ĐB nhất trí, Khuê Văn Các chính thức được chọn là biểu tượng của thủ đô Hà Nội.

Hà Nội sẽ giảm khoảng 1 triệu dân nhập cư 4 năm tới

Với quản lý dân cư,  cơ bản luật Thủ đô giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của luật Cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên. Cụ thể, các đối tượng này chỉ được đăng ký thường trú khi đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà cho thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP.Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê.

Kết quả biểu quyết riêng về quản lý dân cư trước khi thông qua toàn bộ dự luật, có 346/463 ĐB tán thành (trên 69%), 106 ĐB không tán thành và 11 ĐB không biểu quyết.

Với cơ chế chính sách quy định cho Thủ đô, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐB, luật vừa được thông qua đã không quy định cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải; cho phép HĐND TP quy định mức tiền phạt cao hơn không quá hai lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013.

Ngay sau khi QH biểu quyết thông qua luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã chia sẻ với báo giới bên hành lang kỳ họp.

Thưa ông, nhiều ý kiến lo ngại chính sách siết nhập cư có thể dẫn đến những hệ lụy, biến tướng tiêu cực khác trên thực tế?

Nếu làm không tốt thì bất cứ chính sách gì cũng có thể bị lợi dụng. Kể cả giai đoạn trước đây, thời còn bao cấp, mọi người sống phụ thuộc vào hộ khẩu, tem phiếu thì việc nhập cư cực kỳ khó, nhưng ngay lúc đó cũng vẫn có tiêu cực. Tiêu cực phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm, tinh thần thực thi chính sách chứ không phải do quy định thế này hay thế khác.

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc quản lý dân cư từ chính sách hạn chế nhập cư được quy định trong luật?

Dựa vào những số liệu báo cáo về tình hình sau khi Hà Nội mở rộng, với phương án hạn chế nhập cư như thế này thì mỗi năm cũng bớt được ít nhất vài trăm nghìn người nhập khẩu vào thành phố, so với khi chưa có quy định này. Như vậy, trong vòng khoảng 4-5 năm có thể bớt được 1 triệu người nhập cư vào thành phố. Con số đó cũng lớn lắm chứ. Mà việc lo cho 1 triệu con người có nơi ở, học hành, đi lại, chữa bệnh, an ninh trật tự… cũng là vấn đề lớn.

Liên quan đến siết nhập cư, luật Thủ đô có điều khoản cho phép HĐND được quyết định mức diện tích nhà ở với người đăng ký nhập cư. Vậy mức diện tích dự kiến thế nào, thưa ông?

Cái này phải qua điều tra dư luận xã hội xem diện tích bình quân đầu người hiện tại của thành phố bao nhiêu để những người có điều kiện khả năng nhập cư phải đáp ứng được mức trung bình tối thiểu đó. Chứ không nên để như vừa qua, có những hộ gia đình nhà diện tích chỉ hơn 20 m2 mà đồng ý xác nhận cho 30-40 người nhập hộ khẩu. Đây là việc làm đối phó quy định. Có quy định chặt chẽ về điều kiện nhập cư cũng là để bảo đảm điều kiện sống cơ bản của những người sau nhập cư.

Tuệ Nguyễn - Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.