Món cơm thời chiến
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thơm lựng mùi lá cỏ và hương gạo, hơi khói. Khách nước ngoài chộn rộn, mở căng mắt nhìn theo từng đường tay đánh cơm của những bà má mà thời chiến tranh là nữ du kích. Là cơm, nhưng sau khi nắm xong thì gọn gàng và dã chiến. Khoai lang vùi ngọt dẻo cũng rất tiện để mang theo người dù có phải lăn, toài trong bom đạn. Món vỏ chuối sấy xám nhạt hơi ngai ngái là “đặc sản” trong những bữa cơm tù chưa bao giờ no, chưa bao giờ tươi.
|
Cuộc kháng chiến thần thánh đã được tái hiện như thế tại một trong những bảo tàng “ăn khách” nhất nước. “Chúng tôi mời cựu tù tới làm lương khô vỏ chuối sấy, mời các o du kích tới nấu cơm nắm muối tiêu, nướng cá… Họ vừa làm vừa kể chuyện những ngày chiến đấu gian nan ấy. Cuối cùng cả bữa tiệc kháng chiến đã không còn một miếng bỏ thừa. Còn 500 khách nước ngoài đến từ nhiều nước đều hài lòng”, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - cho biết.
Theo đánh giá của chuyên gia, bữa tiệc “ẩm thực thời kháng chiến” pha trộn cơm tù, cơm bộ đội chính là một đặc sản của bảo tàng. “Giờ đây khi mỗi tour du lịch đưa khách tới bảo tàng đều không dài, chỉ chừng 4 tiếng, mỗi bảo tàng cần phải có đặc sản để thu hút khách tới chỗ mình”, TS Bùi Hoài Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật nói. Đặc sản này không chỉ là sự riêng biệt của mỗi bảo tàng, mà hơn thế, phải là sự riêng biệt được sinh động hóa, đại chúng hóa cho dễ tiếp nhận hơn. Có như vậy, di sản tại các bảo tàng mới có thể hút khách.
|
Để hiện vật lên tiếng
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện là nơi có lượng lớn hiện vật quý. Tuy nhiên, theo chuyên gia, bảo tàng cũng chỉ đông khách vào những ngày tổ chức trưng bày chuyên đề, triển lãm. Phòng văn hóa Óc Eo mới khai trương rực rỡ những vòng, nhẫn vàng đẹp nổi trội vốn là đặc trưng của nền văn hóa này. Tuy nhiên, hiện vật ở đây đẹp bao nhiêu thì tổng thể trưng bày lại “cứng” và việc thuyết minh nó cũng khó bấy nhiêu. Nó như một nhiệm vụ “bất khả thi” với hướng dẫn viên vậy. “Khó nên có tình trạng hướng dẫn viên né Bảo tàng Lịch sử quốc gia”, Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Hà Nội Tourist - cho biết.
Hiện tại phía bắc chỉ có 3 bảo tàng hấp dẫn khách và không khó thuyết minh ở mức độ trung bình là Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Mỹ thuật và Bảo tàng Phụ nữ. Bảo tàng thứ ba này có thể coi là một ngôi sao đang lên với việc được báo Mỹ đánh giá là nơi đáng đến nhất trong số 80 điểm đến tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện bảo tàng cũng chưa có nhiều tour du lịch. Nó cho thấy liên kết bảo tàng - du lịch di sản chưa khắng khít. “Nhưng bảo tàng cũng không nhất thiết phụ thuộc vào công ty du lịch mà có thể trực tiếp đưa tờ rơi vào các khách sạn nhà hàng”, ông Hoài Sơn nói.
“Chúng ta chưa thể có một tour du lịch di sản ở bảo tàng”, bà Phạm Lê Thảo - Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành nói. Với độ hấp dẫn chỉ đủ trong vài tiếng, các bảo tàng hiện chưa thể dàn hàng cùng tiến vào lộ trình du lịch. Vì thế, theo bà trước mắt bảo tàng nên tập trung thiết kế sản phẩm đặc trưng để có thể nổi lên trong chuỗi những loại hình du lịch di sản khác. Chỉ khi đó, khách hàng kèm theo lợi nhuận mới đến.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)