Nhà “ông già tre bông” Võ Thành Viễn (64 tuổi) nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở P.Bình Khánh, TP.Long Xuyên (An Giang). Nhìn căn nhà như chái bếp chứa toàn tre là tre, đồ vật bày biện chỉ vài món cũ mèm, chẳng ai nghĩ đó là nhà của một nghệ nhân. Người ta gọi ông là phù thủy tre bông, nghệ nhân tre bông… nhưng ông thích cái tên mộc mạc, rặt ri Nam bộ là ông già tre bông.
Bốn chục năm trước, lúc đó 24 tuổi, ông bỗng nổi chứng… mê tre bông rồi như nghiệp chướng không dứt ra được. Ông nói cây tre bông có vân màu vàng trắng, từng đốm đậm lợt “nhìn ngộ lắm”, tre càng già lên bông càng nhiều.
Ông Viễn nhẩm đếm đến nay, ông đã làm hơn 200 mẫu vật từ tre bông. Từ hình ảnh Văn Thánh miếu, chùa Một Cột, cửa Ngọ Môn Huế, Khu lưu niệm Bác Tôn, chợ Cần Thơ, đồng hồ treo tường… cho đến những sản phẩm “vừa vừa” như bộ tách trà, đèn ngủ, nhà rông, con đò, xe bò, xe lôi và “nhỏ xíu” như bình hoa, bình đựng viết...
Tháng 12.2008, ông được phong tặng là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam, được trao bằng chứng nhận tre bông là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam. Nhưng phía sau danh hiệu ấy là cả một câu chuyện dài hơn nửa kiếp người đầy bất trắc. Ông nghiên cứu tre bông khởi điểm bằng nhiều cái không: không thầy chỉ dạy, không vốn liếng, không người chia sẻ, làm ra thành phẩm không có nơi tiêu thụ…
Năm 1980, trong khi mọi người lo kiếm cơm từng bữa, thì ông lại lùng sục tìm mua tre bông. Vừa cưa đục quăng bỏ bụi này xong lại thấy ông vác về bụi tre khác. Căn nhà trong hẻm có khi đèn dầu sáng suốt đêm với tiếng cưa xèn xẹt, tiếng tre khua lốc cốc xen lẫn tiếng thở dài. Người ta xầm xì bảo ông dại, gàn dở, bỏ tiền mua tre về chẻ cưa làm… củi. Tre thì vẫn cứ hoàn cốt tre, mắc mớ chi biến nó thành thứ khác. Ông lặng thinh, cứ gai góc như cây tre lầm lũi mọc thẳng, hơn nhau lời nói mất lòng thêm.
Trong khoảng thời gian gặp thất bại triền miên đó, ông “ngộ” ra rằng tre bông để lâu phai màu và bị mối mọt tấn công. Thế là ông lại lần mò tìm cách khắc chế các điểm yếu này bằng kiến thức dân gian pha trộn nhau. Tâm nguyện của ông là những rặng tre ở vùng quê yên ả sẽ hóa thân thành các vật dụng gần gũi hiện diện ở khắp nơi chứ không riêng gì vùng nông thôn.
|
Các sản phẩm tre bông từ con đò, nhà sàn chống lũ, chùa Một Cột… đều là kết tinh bao năm tháng miệt mài của ông, nhưng do sản phẩm còn mới nên thị trường đón nhận dè dặt. Vốn liếng chôn chặt vào đó cùng viễn cảnh ăn cháo thay cơm nhưng ông không nản lòng, vẫn cứ lấy nguyên lý đơn giản từ cây tre mà sống, cứ mọc thẳng chẳng ngán ngại mưa gió cuộc đời.
Tới năm 1999, ông thành lập cơ sở sản xuất mỹ nghệ tre bông ghép gỗ Viễn Thành. Năm 2000, sản phẩm của ông bắt đầu đặt chân đến các hội chợ và để lại ấn tượng mạnh cho khách tham quan. Đến thời điểm này ông đã là “mối ruột” của các công ty du lịch và thậm chí chính quyền ở nhiều địa phương. Khi tổ chức sự kiện, lễ hội… người ta lại đặt hàng tre bông, đó có thể là mẫu móc khóa chợ Cần Thơ, Khu lưu niệm Bác Tôn, vùng Đồng Tháp Mười xưa… để tặng khách quý hay bán lưu niệm.
Người ta nói chỉ cần nhìn cách ông cầm tre sẽ hiểu ông yêu tre tới mức nào. Ông bảo, tre bông nhìn rất dung dị, nhưng để hiểu được nó là một quá trình. Ví như cùng một cụm thì tre bông mọc hướng tây cho bông ít nhưng thân rất dẻo dai bẻ cong không gãy. Tre mọc hướng đông có nhiều bông đen nhưng thân rất giòn. Còn mọc hướng bắc và nam thì thân cứng và cho nhiều bông… Muốn sản phẩm tre không bị mối mọt tấn công thì đốn tre vào buổi chiều cho tre nhả hết “độc”, đến sáng hôm sau mới đem ra chẻ. Nhìn thân tre suôn đuột nhiều người tưởng cưa chẻ rất dễ nhưng tới khi bắt tay thì vã mồ hôi. Vậy nên rất nhiều học trò tìm đến rồi vội vã bỏ đi vì “cái nghề tre bông cực nhọc quá mà lĩnh hội tinh hoa cũng rất khó”.
Ông lo ngại chuyện truyền nghề cho thế hệ sau bởi ông là người duy nhất nắm được bí quyết tre bông. Nghề tre bông đòi hỏi người học phải có tình yêu quê hương, yêu tre nhưng vốn dĩ cuộc sống không thể có người lại mạo hiểm đi theo cái nghề mà chỉ đặt nghệ thuật lên hàng đầu. Các sản phẩm tre bông không chỉ đơn thuần mang tính nghệ thuật mà nó còn mang tính giáo dục, giúp con người hiểu biết thêm cội nguồn của dân tộc.
Ông Viễn nói với những sản phẩm đơn giản, người nghệ nhân chỉ vài phác họa là xong. Thế nhưng có những sản phẩm phải thai nghén nhiều năm ròng, bởi chúng đã đi vào tiềm thức, ăn sâu vào tâm khảm bao người nên khi chế tác, chỉ cần sai một chi tiết sẽ khiến người am hiểu khó chịu, đặc biệt là với du khách nước ngoài.
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Thanh Dũng
Bình luận (0)