Tàu ngầm và trò chơi mèo vờn chuột

25/11/2012 03:10 GMT+7

Việc chống tàu ngầm được giới chuyên gia quân sự mô tả như trò chơi “mèo vờn chuột” gay cấn giữa lòng biển.

Đầu tháng này, CNN dẫn nguồn tin quân sự cho hay Lầu Năm Góc gần đây phát hiện một tàu ngầm hạt nhân Nga hiện diện cách bờ đông nước Mỹ chưa đầy 300 dặm (480 km). Vụ việc xảy ra giữa lúc một hạm đội tàu sân bay nước này đang tập trận gần Florida. Mặc dù, tàu ngầm hạt nhân trên chưa đi vào vùng lãnh hải của Mỹ nhưng vẫn khiến giới quân sự đặc biệt quan tâm. Đó là vì tàu ngầm ngày nay có sức tấn công mạnh mẽ với nhiều ưu thế trong hải chiến. Thông tin này một lần nữa hâm nóng những tranh luận về trò chơi “mèo vờn chuột” giữa các cường quốc trên biển.

Thời gian qua, vụ đụng độ giữa tàu hải quân Mỹ USNS Impeccable với tàu Trung Quốc hồi tháng 3.2009 ở biển Đông được xem như một sự cố ồn ào nhất liên quan đến cuộc chơi trên biển. Theo AP, lúc đó, khi tàu USNS Impeccable đang tiến hành các hoạt động dò tìm tàu ngầm tại vùng biển trên thì hộ tống hạm và máy bay do thám của Trung Quốc liên tục tiếp cận. Tiếp đến, một tàu Trung Quốc phát thông tin đến tàu Mỹ cáo buộc đối phương đang hoạt động trái phép nên yêu cầu rút đi.

 Tàu ngầm và trò chơi mèo vờn chuột
Tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc - Ảnh: NCC

Tuy nhiên, chiếc USNS Impeccable khẳng định đang hoạt động theo đúng luật pháp quốc tế. Sau đó, 5 tàu công vụ Trung Quốc tiến sát USNS Impeccable và đỉnh điểm của vụ việc là tàu hải quân Mỹ dùng súng phun nước để chống lại việc tiếp cận quá gần của đối phương. Theo giới chuyên gia, việc yêu cầu tàu USNS Impeccable rời đi là cách để Bắc Kinh ngăn cản hải quân Mỹ nắm rõ hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Nhất là khi biển Đông đóng vai trò trọng yếu đối với chiến lược phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) mà Trung Quốc theo đuổi. 

Vị thế biển Đông

Trong phần trình bày tham luận tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông diễn ra hồi tuần qua, tướng (nghỉ hưu) Daniel Schaeffer thuộc Viện Nghiên cứu châu Á 21 (Pháp) cũng vừa đề cập vấn đề vừa nêu. Theo ông, đây chính là một trong những lý do quan trọng khiến Bắc Kinh vẽ ra bản đồ “đường lưỡi bò” thâu tóm gần trọn biển Đông. Tham luận của tướng Schaeffer nêu rõ: “Ngoài vấn đề dầu và cá, lý do chính là những tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Và những tính toán chiến lược này liên quan đến nhu cầu cấp bách bảo đảm lối ra an toàn tuyệt đối cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) từ căn cứ Tam Á”. Đây cũng là cách bảo đảm những tuyến đường an toàn cho các tàu này đến khi chúng đến được khu vực tuần tra. Theo ông Schaeffer, vùng biển trên mép thềm lục địa giữa đảo Hải Nam và các điểm lõm của biển Đông không quá sâu. Tại cửa vịnh Tam Á, nơi có căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc, độ sâu chỉ khoảng 20 m. Vì thế, tại khu vực trên, tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng bị đối thủ phát hiện và theo dõi khi chưa thể lặn ở độ sâu dưới 200 m. Đặc biệt, các SSBN của Bắc Kinh có độ ồn lớn nên khả năng bị phát hiện càng cao. Cùng lý do trên, SSBN của Trung Quốc cũng khó lặn ở độ sâu an toàn để di chuyển từ căn cứ ở đảo Hải Nam đến vùng biển Hoa Đông ngay sát Nhật Bản. Vì thế, Trung Quốc càng có lý do để kiểm soát biển Đông nhằm tạo lối ra an toàn cho tàu ngầm hạt nhân của mình xuống Ấn Độ Dương cũng như ra Thái Bình Dương để tiếp cận Nhật Bản.

Trước đây, báo Asia Times Online (ATO) từng dẫn lời giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang cố gắng tìm cách để tàu ngầm Trung Quốc thoát khỏi tầm bao phủ của hệ thống vệ tinh và các phương tiện dò tìm mà Washington triển khai. Theo đó, biển Đông là giải pháp khả thi nhất nên Trung Quốc rất muốn làm chủ hoàn toàn khu vực này. ATO dẫn nhận xét của Giáo sư Peter Dutton thuộc Trường Hải quân Mỹ cho biết các khu vực tại vùng biển Hoa Đông chỉ sâu từ 54 - 108 m. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ở biển Đông, độ sâu lên đến hàng km. Vì thế, biển Đông trở thành lối đi cực kỳ an toàn cho tàu ngầm Trung Quốc nếu Bắc Kinh kiểm soát trọn vẹn vùng này.

Cũng tại Hội thảo Quốc tế về biển Đông mới đây, GS Carl Thayer thuộc Học viện quốc phòng Úc trình bày tham luận đề cập sự quan trọng của biển Đông đối với hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. GS Thayer nhận định Bắc Kinh đang ra sức tăng cường lực lượng tàu chiến, đặc biệt là SSBN, cho hạm đội này. Cụ thể hơn, ông cho rằng Bắc Kinh đang đồn trú một số tàu nổi lớn, máy bay đổ bộ tiếp đất, một số tàu ngầm thông thường và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tại căn cứ Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam. Tham luận của GS Thayer nhận định: “Việc xây dựng liên tục tại căn cứ hải quân Ngọc Lâm cho thấy đây sẽ là căn cứ quân sự quan trọng, cho phép Trung Quốc có khả năng thể hiện sức mạnh viễn chinh tới biển Đông và xa hơn nữa”.

SSBN chủ lực của Trung Quốc

Theo báo cáo mang tên “Trung Quốc hiện đại hóa hải quân: Gợi ý cho khả năng của hải quân Mỹ” do Lầu Năm Góc đưa ra hồi tháng 8, Bắc Kinh đang định hình tàu ngầm lớp Tấn (còn gọi là lớp 094) đóng vai trò SSBN chủ lực. Các chiến hạm lớp Tấn dần thay thế số tàu ngầm lớp 092 mà Trung Quốc cho về hưu. Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh dự kiến sở hữu đến 6 chiếc lớp 094 vào năm 2016 và có thể tiếp tục bổ sung sau đó.

Được giới thiệu hồi tháng 7.2004, tàu ngầm lớp Tấn có độ choán nước khoảng 8.000 tấn, dài 133 m, tốc độ đạt 20 hải lý/giờ (39 km/giờ), tầm hoạt động không giới hạn nhờ động cơ sử dụng năng lượng hạt nhân. Ngoài việc trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, loại tàu ngầm này còn mang theo từ 12 - 20 tên lửa đạn đạo Ngưu Lang 2 (JL-2) có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân và tầm bắn lên đến 8.000 km. Vì thế, tàu ngầm lớp Tấn được nhìn nhận như một biểu tượng mang tính răn đe hạt nhân. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang xúc tiến chế tạo tàu ngầm lớp Đường (còn gọi là lớp 096) như một thế hệ kế tiếp của lớp Tấn. 

Hoàng Đình

Trung Quốc phát hành “bản đồ Tam Sa”

Hôm qua, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa ban hành bộ bản đồ chính thức đầu tiên cho cái gọi là “TP.Tam Sa” mà Bắc Kinh thiết lập nên hồi tháng 7, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ phi pháp trên được thực hiện bởi một cơ quan phụ trách khảo sát, lập bản đồ và hàng hải vốn trực thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Tổng cục Báo chí và xuất bản Trung Quốc đã thông qua bộ bản đồ này gồm hình ảnh vệ tinh, hình ảnh chụp từ trên không, bản đồ hành chính của 38 đảo chính và các rạn san hô thuộc cái gọi là “TP. Tam Sa”. Bản đồ phi pháp trên có hai phiên bản với tỷ lệ lần lượt là 1:30.000.000 và 1:360.000. Theo Tân Hoa xã, bắt đầu từ hôm qua, bộ bản đồ này sẽ được bán rộng rãi trên cả nước Trung Quốc. Rõ ràng, đây là bước đi ngang ngược mới nhất của Trung Quốc sau hàng loạt hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam.

Ngô Minh Trí

>> Án tù nặng vì đốt tàu ngầm
>> Đua nhau thuê tàu ngầm hạt nhân
>> Nga biên chế tàu ngầm chiến lược lớp Borey đầu tiên năm 2013
>> Hàn Quốc xây căn cứ chứa tàu ngầm Mỹ
>> Buôn ma túy bằng tàu ngầm
>> Tàu ngầm và tàu tuần dương Mỹ đâm nhau

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.