Không để người trồng mía thiệt thòi

26/11/2012 10:18 GMT+7

Tỉnh Tây Ninh vừa đưa ra nhiều giải pháp để “cứu” người trồng mía trên địa bàn trước tình hình giá cả đang xuống thấp.

Ngoài việc hỗ trợ cho nông dân 1 triệu đồng/ha, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh còn chỉ đạo Sở KH-CN nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ cho việc trồng mía được thuận lợi. Đặc biệt cần quan tâm đến việc xác định chữ đường của các công ty, nhà máy đường…không để thiệt thòi cho nông dân.

 
Vận chuyển mía đến nhà máy đường trong vụ mùa 2012-2013- Ảnh Công Sinh

Mạo hiểm, nhưng vẫn phải mua

 
Chuẩn bị vụ chế biến 2012 – 2013, Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết, dự kiến có 28.000 ha mía được thu hoạch với sản lượng dự kiến 1.960.000 tấn (năng suất dự kiến 70 tấn/ha). Hiện đã có 2 nhà máy công bố giá thu mua mía vụ mới là SBT và Nước Trong. Giá thu mua mía tại ruộng của Nhà máy đường Nước Trong bằng với SBT là 900.000 đồng/tấn.

Vào ngày 14.11, Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) đã chính thức bắt tay vào vụ mới cho dù giá đường trong nước đang ở mức thấp, các nhà máy đường đang vất vả tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo SBT, vẫn phải đưa ra chính sách điều chỉnh thu mua cho từng giai đoạn thu hoạch theo hướng chia sẻ thiệt hại cho người trồng mía. Đối với giống mía thường, đầu vụ (từ 14.11.2012 đến 31.12.2012 ), giá cơ bản loại mía có chữ đường 10 CCS là 900.000 đồng/tấn (bảo hiểm 8 CCS) cộng với trợ giá 250.000 đồng/tấn; quy ra giá thấp nhất là 970.000 đồng/tấn. Giai đoạn cận tết (từ 1.1.2013 đến Tết Nguyên đán), giá mía cơ bản 10 chữ CCS là 900.000 đồng/tấn (bảo hiểm 8.5 CCS), trợ giá 200.000 đồng/tấn (do giai đoạn này chi phí thu hoạch thấp hơn do giảm trung chuyển); quy ra giá thấp nhất là 965.000 đồng/tấn. Sau tết (từ 17.2.2013 đến 15.3.2013), giá mía cơ bản 10 CCS là 900.000 đồng /tấn (bảo hiểm 9 CCS), trợ giá 300.000 đồng/tấn; quy ra giá thấp nhất là 1.110.000 đồng/tấn. Cuối vụ (sau ngày 15.3.2013 đến cuối vụ), giá mía cơ bản 10 CCS là 900.000 đồng/tấn (bảo hiểm 9.5 CCS), trợ giá 300.000 đồng/tấn; quy ra giá thấp nhất là 1.155.000 đồng/tấn. Một lãnh đạo SBT cho rằng: “Nếu so với giá đường hiện nay, chúng tôi đưa ra giá thu mua như thế này rất là mạo hiểm, có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, công ty vẫn mong muốn mang lại cho người trồng mía sự an tâm nhất định”.

Nông dân trồng mía vẫn lo

Nhiều nông dân cho rằng, vụ mía năm nay họ có lợi nhuận rất thấp do chi phí đầu tư tăng gấp rưỡi năm trước; trong khi chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc, thu hoạch và giá thu mua của các Nhà máy đường Biên Hòa Tây Ninh, Nước Trong và SBT chỉ bằng hoặc giảm so với năm trước. Ông Phạm Văn Lâm (xã Tân Hội, H.Tân Châu) cho biết: “Vụ này, gia đình tôi hơp đồng trồng 12,7 ha mía với Nhà máy đường Nước Trong, thu hoạch được khoảng 1.020 tấn (bình quân đạt 80 tấn/ha), chữ đường bình quân đạt 9CCS. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ còn khoảng hơn 20 triệu đồng/ha, thua năm trước nhiều lần”.

 Ông Trần Văn Hận – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh cho biết: “Hiện người trồng mía còn nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ nhiều hơn. Cụ thể, mức hỗ trợ của nhà máy để nông dân đầu tư trồng, chăm sóc mía quá thấp so với thực tế, cần tăng thêm. Mặt khác, chính sách bảo hiểm chữ đường của các nhà máy hiện chưa hợp lý, cần điều chỉnh theo hướng có lợi cho nông dân hơn”

Trước khó khăn của nông dân trồng mía, Sở NN-PTNT cũng đã đề nghị các nhà máy đường có chính sách thu mua mía hợp lý để người trồng có lãi, góp phần ổn định và phát triển vùng nguyên liệu mía. Các nhà máy phải xác định cơ cấu giống hợp lý giữa mía chín sớm, chín trung bình và chín muộn để rải vụ thu hoạch, tránh tình trạng đầu vụ và cuối vụ ép thì thiếu nguyên liệu nhưng giữa vụ nông dân phải “xếp hàng chờ” thu hoạch. Nhà máy cần có chính sách hỗ trợ để phát triển diện tích trồng giống mía mới như cấp không giống mới…để khuyến khích mở rộng diện tích mía nguyên liệu giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Công Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.