Sự kiện này không chỉ là một kỳ bầu cử địa phương bình thường mà đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của Catalonia. Theo tờ Le Monde, lá phiếu sẽ cho thấy cử tri chọn ở lại hay ly khai khỏi Tây Ban Nha. Khủng hoảng nợ công cùng các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc khiến người dân vùng này cảm thấy bị Madrid “áp bức kinh tế”. Trong năm 2011, Catalonia đã phải nộp 16 tỉ euro, tức 8% GDP của vùng, để liên đới với các vùng khác tại Tây Ban Nha. Liên minh cánh hữu cầm quyền CiU cho rằng mức đóng góp nói trên quá lớn, đặc biệt trong tình trạng kinh tế khó khăn.
|
Chủ tịch Catalonia Artur Mas đã đưa ra nhiều quyết định cứng rắn sau khi bị Madrid từ chối quyền tự chủ về chính sách thuế vào cuối tháng 9. Ông Mas tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử trước hạn 2 năm và trưng cầu dân ý về việc ly khai. Mới đây, chương trình tranh cử của ông được xây dựng trên hai ý chính: “Tham khảo cử tri về tương lai vùng” và “Catalonia có chính quyền độc lập thuộc khuôn khổ EU”. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso đã khẳng định EU sẽ không công nhận một quốc gia được thành lập nhờ ly khai. Tuy nhiên, tuyên bố này không khiến ông Mas lùi bước. Ông cho rằng con đường trước mắt còn nhiều trở ngại nhưng thà bị phản đối còn hơn ngồi yên.
Tờ Le Figaro dẫn lời nhà nghiên cứu Ricard Vilaregut thuộc ĐH Barcelona nhận định mục tiêu của Chủ tịch Mas trong kỳ bầu cử lần này là CiU giành thế đa số tuyệt đối để không phải liên minh với đảng khác, dễ dàng đưa ra các quyết định cũng như tổ chức trưng cầu dân ý mà không cần sự chấp thuận của Madrid.
Kết quả của tổng tuyển cử có thể giúp dự báo về trưng cầu dân ý. Về vấn đề ly khai, hiện nhóm ủng hộ đang chiếm 60% số ghế trong nghị viện địa phương. Nếu CiU đạt đa số tuyệt đối và tỷ lệ bỏ phiếu cho các đảng thuộc nhóm này vẫn giữ nguyên hoặc tăng lên, nguy cơ Catalonia “chia tay” Tây Ban Nha sẽ ngày một rõ.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)