>> Học sinh chuyên đi học thêm... môn chuyên
Nếu như một năm, chúng ta tuyển được vài ngàn HS này vào ĐH, học vượt, có bằng tiến sĩ ở tuổi 24, 25 thì còn gì bằng. Lứa nhân tài này sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước |
||
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM |
||
Kết nối với chương trình bậc ĐH
Tính đến nay, nước ta đã thực hiện mô hình trường chuyên gần 50 năm, tuy nhiên vấn đề phát triển tài năng của những học sinh (HS) này vẫn đang bỏ ngỏ. Nói như lời PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), đào tạo HS chuyên trong 3 năm THPT mà không có cơ chế phát triển tài năng thì đúng thật quá lãng phí.
PGS Cương cho rằng: “Nếu một HS chuyên toán sau khi thi vào ĐH cùng chuyên ngành, rồi cũng học chương trình bình thường như những người khác, khoảng 4 năm lấy bằng thì quá lãng phí. Đáng lý ra, ở trường ĐH, các em phải được học riêng, học vượt vì đã có nền tảng sẵn từ phổ thông. Điều đáng buồn là HS sẽ phải học lại những kiến thức mà trước đó, các em đã được học chuyên sâu ở phổ thông. Nếu như vậy, không khác gì các em đang bỏ thời gian ôn tập chứ không phải học ĐH. Thay vì thế có thể dành thời gian đó học lên cao hoặc nghiên cứu”.
Nhận thấy điều này, cách đây 2 năm, ĐH Quốc gia TP.HCM đề xuất với Bộ cho thí điểm tuyển HS Trường THPT Năng khiếu TP.HCM (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) sau khi tốt nghiệp THPT được vào các hệ đào tạo của ĐH này. Tuy nhiên, đề án này không được Bộ thông qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do để ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra đề xuất này là hầu như tất cả HS của Trường THPT Năng khiếu đều đậu ĐH trong các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ. Chẳng hạn, trong mùa tuyển sinh rồi, trường có 269 HS dự thi ĐH và tất cả đều trúng tuyển. Đáng nói, điểm trung bình thi ĐH của HS trường này là 21,6 điểm. Trong khi đó điểm chuẩn nhiều ngành của các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM thấp hơn rất nhiều so với điểm bình quân trên.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho biết: “Nếu Bộ chấp thuận phương án tuyển thẳng này của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ không công bằng với các trường chuyên trong cả nước. Tuy nhiên, Bộ cũng khuyến khích ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội có thể làm đề án tổng thể về phương án tuyến sinh riêng của mình (trong đó có thể tuyển thẳng HS chuyên, năng khiếu). Nhưng đến nay, Bộ chưa nhận được đề án từ hai trường trên”.
Tìm chính sách ưu đãi thích hợp
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cần xây dựng bộ khung chuẩn để từ đó có thể căn cứ xét tuyển HS chuyên, năng khiếu vào ĐH. Ông Lê Thành Thái, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành (ĐH Sư phạm TP.HCM), nói: “Không thể tuyển hết HS chuyên, năng khiếu vào ĐH nhưng chúng ta có thể áp dụng một số tiêu chí để xét chọn. Chẳng hạn như: hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, các môn thuộc khối thi vào ngành, trường mà HS muốn vào phải đạt trung bình môn trên 9... Đối với một số trường đặc thù như: y dược, hàng không, quân sự..., HS chuyên muốn vào phải trải qua kỳ thi ĐH bình thường”.
|
Hiện nay Bộ đang có dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn HS giỏi cấp quốc gia. Trong đó HS tham gia tập huấn chuẩn bị dự thi Olympic khu vực và quốc tế do Bộ tổ chức cũng được tuyển thẳng vào các trường ĐH theo nguyện vọng đăng ký. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, điều này chưa thể thay đổi được gì vì hằng năm chỉ được thêm vài chục HS được tuyển thẳng vào ĐH. Số lượng này không đáng kể.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất cần có những bàn thảo để xây dựng cơ chế tuyển thẳng vào ĐH cho HS chuyên, năng khiếu. “Nếu như một năm, chúng ta tuyển được vài ngàn HS này vào ĐH, học vượt, có bằng tiến sĩ ở tuổi 24, 25 thì còn gì bằng. Lứa nhân tài này sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước”, ông Hùng quả quyết.
Theo nhiều chuyên gia, cần có một tổ chức chịu trách nhiệm bàn luận giải pháp đưa phương án phù hợp, giúp phát triển tài năng đúng nghĩa. TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: “Hiện nay, giữa trường chuyên, năng khiếu và trường ĐH chưa có nhiều gặp gỡ để bàn thảo, nhằm đưa ra hướng phát triển tốt nhất cho HS chuyên”. Đáp ứng lại mong muốn này, ông Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích điều này. Nếu có mô hình nào tuyển thẳng HS giỏi, chuyên, năng khiếu vào ĐH mà đảm bảo tính công bằng, khoa học, Bộ sẽ ủng hộ”.
Tìm một cơ chế thích hợp để nuôi dưỡng và phát triển tài năng là điều cần phải đặt ra chứ để như thực trạng hiện nay, sau 3 năm THPT chuyên, HS chỉ nhằm vào mục đích thi đậu ĐH là không đáng.
Đề xuất của ĐH Quốc gia TP.HCM Điều kiện đăng ký xét tuyển thẳng ĐH gồm HS có hạnh kiểm tốt trong 3 năm học THPT và đáp ứng một trong 2 tiêu chuẩn: Đạt danh hiệu HS giỏi trong 3 năm liền và đạt kết quả thi tốt nghiệp loại giỏi; là thành viên đội tuyển thi HS giỏi quốc gia - Olympic quốc tế và có kết quả thi tốt nghiệp loại khá trở lên. Nguyên tắc xét tuyển: HS thuộc các lớp chuyên toán, lý, hóa, tin học và không chuyên sẽ được xét tuyển vào những ngành tuyển sinh khối A; chuyên hóa, sinh xét tuyển vào những ngành khối B; chuyên văn vào những ngành tuyển sinh khối C; chuyên Anh và không chuyên vào những ngành tuyển sinh khối D. HS chỉ được đăng ký xét tuyển thẳng vào một ngành của một trường thành viên, khoa trực thuộc. Chỉ tiêu tuyển thẳng tối đa không quá 10% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành ở mỗi trường và khoa trực thuộc. |
Hơn 2.300 tỉ đồng đầu tư trường chuyên Giai đoạn 2010 - 2020 mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương sẽ có ít nhất một trường chuyên với số HS chuyên chiếm 2% tổng số HS toàn tỉnh. Đến năm 2015, dự kiến toàn quốc sẽ có 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia. Trong đó có 15 trường điểm, đạt chất lượng ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên khoảng hơn 2.300 tỉ đồng. (Theo đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên) |
Minh Luân
Bình luận (0)