Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương

28/11/2012 03:00 GMT+7

Từ chỗ mua 2 con chồn hương con về nuôi chơi, giờ đây gia đình Trung đã có một trang trại nuôi chồn với số lượng lúc cao nhất lên đến 135 con.

>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ

Tháng 3.2007, trên đường làm rẫy về, Hồ Duy Trung (37 tuổi ở Quảng Ngãi) gặp một người dân tộc H’re cầm 2 con chồn hương con 1 đực, 1 cái mới bắt được trong rừng. Thấy cặp chồn hương con xinh xắn, Trung mua với giá 200.000 đồng với ý định nuôi chơi. Đến năm 2008, cặp chồn hương đẻ được 6 con, lòng vui như mở. Trung mạnh dạn xây dựng chuồng trại để nuôi chồn hương.

Với suy nghĩ chồn hương thuộc họ cầy nên ban đầu anh “thử nghiệm” nuôi chồn như... nuôi chó. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, tự mua sách về mày mò và nghiên cứu, cuối cùng Trung đã rút ra “bí kíp” cho riêng mình.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
Chồn hương anh Trung đang nuôi tại trang trại - Ảnh: Hiển Cừ

Theo Trung, chồn hương rất dễ nuôi bởi chúng ăn tạp, từ các loại trái cây đến thịt, cơm, cháo, cá, cua, ếch... Là loài “ngày ngủ, đêm ăn” nên mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào ban đêm, sáng ra rửa sạch chuồng trại là xong. “Đàn chồn hương của tui cho ăn cháo gạo với cám tổng hợp là chủ yếu, chỉ tốn chừng 2.000 đồng/con/ngày mà vẫn lớn ào ào. Tính ra, 1 con chồn hương nuôi trong vòng 6 tháng tốn hết khoảng 400.000 đồng tiền thức ăn nhưng đạt từ 3-3,5 kg, giá bán 1 triệu đồng/kg thịt hơi đã thu về 3-3,5 triệu đồng”, Trung khoe.

Nuôi chồn hương sinh sản là khâu khó nhất nhưng Trung cũng đã thành công. Anh nói, khi bắt đầu động dục, vào ban đêm, chồn hương cái thường kêu, hú nên phải tìm chọn bạn tình cho nó. Nhưng đưa bạn tình vào mà chồn cái không “ưng ý” là chúng cắn lộn với nhau. Vì thế phải cho chúng làm quen trước, nếu vài ngày không thích thì thay anh chồn khác. Khi chồn cái mang thai, phải tách chồn đực ở riêng, phòng ngừa chồn đực ăn chồn con mới đẻ.

Từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm là mùa sinh sản của chồn hương với mỗi năm có thể đẻ 2 lứa tùy theo người nuôi. Nhưng theo Trung, tốt nhất nên cho chồn hương đẻ 1 lứa/năm vì nếu để đẻ vào mùa mưa, chồn con ít phát triển, dễ dịch bệnh chết. 

“Từ số tiền ban đầu là 200.000 đồng, sau hơn 5 năm tui có ngót nghét 700 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, nếu làm ruộng thì vợ chồng tui có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến”, Trung thổ lộ.

Trung còn đang ấp ủ dự án “cà phê chồn”, anh đã đầu tư vốn, thuê đất trồng 400 gốc cà phê, dự kiến đến năm 2014 sẽ cho trái rộ. Anh sẽ dùng trái cà phê nuôi chồn hương rồi lấy hạt cà phê từ phân chồn. Anh tính toán, trong vòng một đêm, mỗi con chồn hương thải ra 0,5 kg phân hạt cà phê khô là anh đã có ít nhất 500.000 đồng và giảm được chi phí mua thức ăn. “Cách làm khép kín này chắc chắn sẽ cho hiệu quả hơn nhiều lần so với cách nuôi chồn lâu nay tui đã làm”, Trung quả quyết.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã thông thường để làm giống và thương mại mà Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cấp cho trang trại của Trung thì giống chồn mà anh đang nuôi là cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), còn gọi là chồn hương, thuộc họ cầy. Thịt chồn hương ngon và hiếm nên giá lúc nào cũng đắt. Da của nó được thuộc và dùng trong may mặc. Tuyến xạ của chồn hương rất thơm, dùng sản xuất thuốc, làm mỹ phẩm và nước hoa.

 Trang trại nuôi chồn hương của anh Hồ Duy Trung, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), điện thoại: 01229979795.

Hiển Cừ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.