Phạm Phước Hưng sinh năm 1988, là vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ mang về nhiều thành tích cho đội tuyển Việt Nam. Với hơn 30 huy chương vàng thể dục dụng cụ trong và ngoài nước, đứng thứ 7 giải vô địch thế giới và huy chương vàng 2 kỳ Sea Games 23, 24, Hưng được mệnh danh là chàng trai vàng của thể dục dụng cụ Việt Nam.
Nhưng để hiểu “chàng trai vàng” này, thì phải gặp và nghe anh kể về hành trình gặt hái thành công trong sự nghiệp. Theo đánh giá của giới VĐV thể dục dụng cụ, Hưng là một trong những VĐV hiếm hoi dám từ bỏ khuôn mẫu đã định hình nhiều năm để mở ra một hướng đi riêng. Sinh ở Cần Thơ, năm 4 tuổi, Hưng ra Hà Nội và đến 6 tuổi thì được chính chuyên gia Trung Quốc về tận trường đề cử sang học thể dục dụng cụ từ các chuyên gia nước này. 10 năm ở xứ người, luyện tập với chuyên gia Trung Quốc, mỗi năm Hưng chỉ về Việt Nam khoảng 1-2 lần. Song điều ít biết là chính thời gian tại Việt Nam do bị chấn thương lại là giai đoạn Hưng tìm ra con đường cho mình cũng như những thành công sau này của anh. Tất cả, có lẽ là nhờ tinh thần sáng tạo không ngừng.
Hưng kể, thời gian học ở Trung Quốc, các chuyên gia thường để VĐV tập luyện theo các động tác được sắp sẵn theo bài, thiếu tính sáng tạo. Dù thế, với bộ môn sở trường của Hưng là xà kép, xà đơn…, có những động tác tập đi tập lại cả 4 năm vẫn không thành. Trong khi đó, năm 2003, sau khi bị chấn thương tại Sea Games 23, Hưng ở lại Việt Nam để tĩnh dưỡng theo đúng lịch trình của bệnh viện: dưỡng 2-3 tháng rồi mới đi tập trở lại. Các bài tập trên mạng internet từ thời điểm đó đã khởi nguồn cảm hứng sáng tạo cho Hưng. Đây cũng là lý do khiến cho anh bắt đầu tập được những bài khó hơn, thậm chí chỉ mất một thời gian ngắn có thể tập được các động tác khó mà vẫn chuẩn xác và đẹp mắt, không đi theo lối mòn.
Hưng nhận xét: “Cách dạy của chuyên gia nước ngoài cũng hay, song chưa phát huy được hết tính sáng tạo của cá nhân VĐV. Trong khi đó, các clip của VĐV bán chuyên trên thế giới quay từ những giải đấu lớn mang tính sáng tạo cao, rất rõ nét”. Theo quan sát của anh, trong khi VĐV Trung Quốc thi theo một khuôn mẫu thì các VĐV thể dục dụng cụ Mỹ, châu u mỗi người có một phong cách riêng, không ai giống ai. VĐV trẻ người Việt Nam rút ra kinh nghiệm: không nên áp dụng một cách quá cứng nhắc hay máy móc, mà cần phải có sức sáng tạo của mình, ngay cả cơ chế. Thật tình cờ, thời gian Hưng tìm thấy và phát huy tính sáng tạo của mình trong tập luyện chính là lúc anh tưởng như phải từ giã sự nghiệp. Sau chấn thương là thời điểm anh bắt đầu phải vật lộn với căn bệnh lao xương quái ác, cột sống bị ăn mòn gần hết 2 đốt, đi bị gù lưng... Nhớ sàn và thèm tập, Hưng “mò” lên mạng xem và thậm chí đến tận sân tập xem các bạn tập luyện để đỡ nhớ thể dục dụng cụ và cũng để tự rút ra kinh nghiệm bản thân. Chính từ lúc này, anh phát hiện khi tập luyện rất cần óc sáng tạo, tưởng tượng trước động tác. “Ngay cả khi sau này, lúc chấn thương bình phục và đi tập luyện, thi đấu trở lại, mỗi lần thấy chán nản vì tập không thành công, mình lại ngồi tưởng tượng lại, xem clip và cân nhắc kỹ xem sai ở đâu. Sau đó thì tập tốt, tỷ lệ thành công cao hơn, thời gian tập xong một động tác cũng nhanh hơn”, Hưng chia sẻ.
Cách học từ clip khiến cho trình độ và kỹ năng của Hưng ngày càng tiến bộ. Chẳng hạn, với bài ngựa vòng, trước đó khi còn ở nước ngoài, anh làm đi làm lại nhiều lần nhưng vẫn khó, điểm cao nhất chỉ 5,5. Còn khi về Việt Nam, không làm theo phương pháp cũ, thì tự bản thân rút ra được những chỗ sai, sửa rất nhanh và tỷ lệ thành công cao. Tất cả là nhờ việc xem clip thường xuyên, học từ các VĐV nước ngoài mỗi người một ít, sáng tạo cái riêng cho chính mình nên chuyện có thể đạt 5,8 điểm ở bài ngựa vòng chỉ là vấn đề trong tầm tay. Hay như bài xà kép vốn có nhiều động tác khó như tì hụt quay 180 độ, tập theo phương pháp tự sáng tạo, Hưng chỉ tập mấy tuần là được. Còn khi làm theo phương pháp được dạy, mọi thứ trở nên rườm rà, phức tạp, tập mãi không được.
Có lẽ chính nhờ việc tự học, tự sáng tạo mà thành tích tốt nhất ở bộ môn thể dục dụng cụ Hưng từng đạt được là 6,8 điểm cho nội dung xà kép, trong đó có 1 điểm F (điểm số về độ khó tăng dần xếp từ A, B, C), số còn lại là E, D. Trong khi đó, thành tích cao nhất hiện nay trên thế giới là 7 điểm. “Trong luyện tập và thi đấu, máu ăn thua cũng là yếu tố cần thiết. Chẳng hạn, người ta tập 7-8 thì mình tập 10-11, thậm chí 12 và không chỉ hoàn thành bài tập là xong, còn phải trên mức đó, đây chính là những thứ tốt nhất để cho mình thành công”, Hưng chia sẻ. Tuy nhiên, với bạn bè, đồng nghiệp và các lứa đàn em, Hưng không giấu “nghề”. Tất cả các bài học kinh nghiệm, anh đều chia sẻ với đàn em và các bạn cùng đội tuyển, để tất cả cùng tiến bộ. Mục tiêu của Hưng là trong “giai đoạn đỉnh cao” của bộ môn thể dục dụng cụ sẽ cố gắng tham gia Olympic một lần nữa. “Lần Olympic 2012 vừa rồi, yếu tố tâm lý khiến cho mình thi đấu chưa thành công, nên mình muốn tham gia để thử hết sức cả về chuyên môn và tâm lý”, chàng trai vàng thể dục dụng cụ chia sẻ.
Trong luyện tập và thi đấu, máu ăn thua cũng là yếu tố cần thiết. Chẳng hạn, người ta tập 7-8 thì mình tập 10-11, thậm chí 12 và không chỉ hoàn thành bài tập là xong, còn phải trên mức đó, đây chính là những thứ tốt nhất để cho mình thành công. |
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Lê Quân
Bình luận (0)