Số hóa tư liệu Hán - Nôm quý ở Vĩnh Long

30/11/2012 03:10 GMT+7

Từ 25 - 30.11, đoàn của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đến tỉnh Vĩnh Long tìm hiểu, sưu tầm và số hóa những trang tài liệu bằng chữ Hán - Nôm. Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL phối hợp thực hiện số hóa tài liệu Hán - Nôm.

Ông Vĩnh Quốc Bảo, Trưởng khối kỹ thuật công nghệ, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM, cho biết đợt này đoàn sẽ số hóa trên 3.000 trang tài liệu Hán - Nôm tại di tích Minh Hương hội quán (P.5, TP.Vĩnh Long). Đây là tài liệu phản ánh nhiều mặt đời sống, không những của riêng người Minh Hương, mà còn của dân cư cả vùng Nam bộ.


Đoàn của Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM số hóa tài liệu Hán - Nôm ở Vĩnh Long ngày 28.11 - Ảnh: Thanh Đức
 

Khối tư liệu đặc biệt này được lưu giữ cẩn thận từ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Pháp thuộc cho đến những năm gần đây. Nguồn tài liệu hết sức quý giá, đáng tin cậy này có thể dùng để nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội của Vĩnh Long và vùng đất Nam bộ từ thế kỷ 19 đến nay. Hơn 3.000 trang tư liệu thật sự là bảo vật vô giá, chưa có nơi nào ở ĐBSCL còn lưu giữ được.

Tận mắt xem công việc của những “kỹ sư”, mới thấy được sự tỉ mỉ, cẩn trọng của họ. Để số hóa được những trang tài liệu quý, từng người đảm nhận một công đoạn khác nhau, như làm sạch, ủi thẳng những nếp nhăn, chống nấm mốc…, sau đó dùng máy ảnh kỹ thuật số chuyên dụng có giá đỡ chụp lại với dung lượng lớn (tăng cỡ 300 lần không bị vỡ hình). Đối với những trang tài liệu rách, bị mất chữ, sẽ có chuyên gia Hán - Nôm bổ sung. Theo ông Vĩnh Quốc Bảo, sau khi hoàn chỉnh, đoàn sẽ tập hợp tất cả vào một ổ cứng lưu trữ, cung cấp cho các nhà nghiên cứu.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Trưởng ban Quản lý di sản tỉnh Vĩnh Long, nói: “Vĩnh Long đang sở hữu một bộ sưu tập Hán - Nôm khá hoàn chỉnh. Hệ thống di sản Hán - Nôm hiện có ở Vĩnh Long được chia làm 3 loại chính: các tài liệu lịch sử, bao gồm công văn thần sắc, bi ký gia phả, văn khế văn tự; các tài liệu văn chương nghệ thuật, bao gồm thơ văn, câu đối…; và các tài liệu khác, bao gồm kinh điển Nho học và kinh sách tôn giáo, sách bói, sách thuốc… Tất cả đều gắn liền với quá trình hoàn thành công cuộc khai phá vùng đất phương Nam, mà khởi điểm là mốc lịch sử năm 1732, khi Chúa Nguyễn lập Long Hồ dinh”.

Thanh Đức

>> Thư pháp Hán Nôm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.