Xả chất thải xuống hồ - Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

30/11/2012 03:00 GMT+7

Không chỉ chất thải sinh hoạt của nhà dân, chất thải từ bệnh viện cũng được xe bồn xả trực tiếp ra môi trường mà không hề qua xử lý.

Trưa 16.11, chiếc xe bồn BKS 29C-037.55 chạy từ đường Láng rồi rẽ thẳng vào cổng Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng T.Ư ở số 78 Giải Phóng. Vừa xuống xe, 3 người khẩn trương kéo ống hút cắm vào hầm cầu ở Khoa Khám bệnh của BV. Tới hơn 12 giờ, chiếc xe chạy ngược ra đường Lê Văn Lương, rẽ qua Hoàng Minh Giám rồi ra đường Phạm Hùng. Dừng nghỉ chưa đầy 10 phút, chiếc xe này tiếp tục đến hút chất thải hầm cầu của hộ dân ở sâu trong ngõ 262 đường Nguyễn Trãi; sau đó là một phòng khám đa khoa trên đường Giải Phóng. Khi bồn chứa đã đầy, chiếc xe chạy ra hướng đường Nguyễn Xiển, lên đường Vành đai 3, qua cầu vượt Thanh Trì rồi tấp vội vào bãi tập kết sửa chữa ô tô hỏng có kèm cả dịch vụ rửa xe. Lúc này là 15 giờ 30 phút.

Như đã quá thông thạo địa hình, tài xế lùi xe áp sát mép hồ Yên Sở (P.Yên Sở, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) để 3 người trên xe nhảy xuống mở van đổ chất thải. Mất 20 phút, toàn bộ chất thải hầm cầu trong bồn hút từ BV, phòng khám... được tống thẳng xuống hồ Yên Sở. Theo nhiều người dân ở khu vực này, đã một thời gian dài họ thấy xe bồn mang BKS 29C-037.55 đỗ tại điểm trên, nhưng chỉ ngỡ xe vào đây sửa chữa hoặc rửa xe, chứ không ai ngờ xe đổ chất thải xuống khu vực hồ nuôi cá trong khu dân cư này...

Nghe PV Thanh Niên thuật lại việc chất thải hầm cầu của BV được xả thẳng xuống hồ Yên Sở, đại diện của BV Tai Mũi Họng T.Ư cũng hoàn toàn bất ngờ: “BV không hề có hợp đồng xử lý chất thải hầm cầu với công ty nào, mà chỉ làm theo kiểu dịch vụ, xong lần nào BV trả phí đầy đủ lần đó. Còn việc chất thải bể phốt BV được các xe đem đổ đi đâu thì BV không thể nắm được”. Được biết, toàn BV có 3 khu hầm cầu và tất cả hệ thống hầm cầu này đều được thông với hệ thống hầm cầu của BV Bạch Mai.


Chiếc xe bồn BKS 29C-037.55 hút chất thải bể phốt ở BV Tai Mũi Họng T.Ư... - Ảnh: Hà An 

 
...Sau đó xả thẳng chất thải từ bệnh viện xuống hồ Yên Sở - Ảnh: Hà An

Chỉ có 180 nhà vệ sinh được xử lý !

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Hồng Quang, Giám đốc chi nhánh Cầu Diễn (Công ty môi trường đô thị Hà Nội), khẳng định trên toàn địa bàn Hà Nội chỉ duy nhất trạm xử lý phân bùn, bể phốt thuộc Chi nhánh Cầu Diễn do ông quản lý là có đủ năng lực xử lý chất thải hầm cầu đạt chuẩn. Tuy nhiên, với công suất 50 tấn/ngày, trạm chỉ phục vụ 180 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố. Hiện trạm có 3 xe phục vụ việc thông hút hầm cầu mang BKS 29V-9016, 30F-5120 và 29T-6312. Ông Quang cũng khẳng định ngoài việc phục vụ 180 nhà vệ sinh công cộng, đơn vị của ông chưa từng nhận làm dịch vụ hoặc theo đơn đặt hàng cho công ty hay cơ sở vệ sinh nào khác.

Trung tá Trần Quốc Dũng, Đội trưởng Đội Môi trường đô thị và xây dựng cơ bản thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội), cho biết hiện trên địa bàn Hà Nội có tới trên 100 công ty, cơ sở lớn nhỏ và hàng trăm chiếc xe bồn chuyên dịch vụ hút chất thải hầm cầu. Có những khu vực đã từ lâu được biết tới như một “làng nghề” chuyên hút hầm cầu. Đó là các xã Cổ Nhuế (H.Từ Liêm) và xã Liên Hồng (H.Đan Phượng). Chỉ tính riêng xã Liên Hồng đã có tới trên 200 xe bồn hoạt động ngày đêm trên nhiều tuyến phố. “Tất cả các công ty, cơ sở mà đơn vị nắm được đều có giấy phép kinh doanh hoạt động do Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hà Nội cấp. Kể cả những chiếc xe bồn cũng đều được đăng ký và lưu hành”, trung tá Dũng cho biết. Ông Dũng cũng khẳng định: “Toàn bộ chất thải hầm cầu mà các công ty, cơ sở này thu gom được, kể cả từ những BV, phòng khám tư trên địa bàn Hà Nội, đều được xả thẳng ra môi trường”.

Theo ông Đoàn Hồng Quang, chất thải sau khi hút từ nhà vệ sinh công cộng về tới trạm sẽ lập tức được chứa trong hầm ủ có phun và khử trùng bằng hóa chất. Kế đến cho lắng lọc rồi lại xử lý bằng vi sinh... quá trình này kéo dài ít nhất 30 ngày thì mới đạt chuẩn, tránh nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, tác động xấu đến môi trường sống. “Chất thải hầm cầu ở các BV, phòng khám đa khoa thì nguy cơ lây nhiễm, phát sinh mầm bệnh rất cao. Đặc biệt là chất thải từ các khu xét nghiệm, X-quang, phòng cấp cứu… Loại chất thải y tế này luôn ẩn chứa nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như: trực khuẩn, thương hàn, tiêu chảy, tả, lỵ, viêm gan siêu vi và ký sinh trùng đường ruột… Nếu đem đổ thẳng ra môi trường thì nguy cơ dịch bệnh rất cao”, ông Quang bức xúc.

Phạt không đủ răn đe

Tính từ đầu năm 2012 tới nay, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, xử lý 30 trường hợp xả chất thải hầm cầu ra môi trường. Hiện mức phạt cao nhất khi phát hiện một xe bồn xả chất thải hầm cầu ra môi trường cũng chỉ là 12,5 triệu đồng và giữ xe 30 ngày; trong khi lợi nhuận thu về tương đối lớn nên không đủ sức răn đe.

Trung tá Trần Quốc Dũng cho rằng TP.Hà Nội cần phải có một dự án để Công ty môi trường đô thị Hà Nội khẩn trương xây dựng và mở rộng trạm xử lý phân bùn, bể phốt thuộc chi nhánh Cầu Diễn. Kế đến, những loại xe bồn chuyên dùng hút hầm cầu cần phải có giấy phép đặc thù và được gắn chíp theo dõi...

Hà An - Tuấn Đức

>> Xả chất thải xuống hồ
>> Phạt 2 doanh nghiệp “chuyển giao” chất thải nguy hại cho cơ sở thu mua phế liệu
>> Bắt 3 ô tô đổ trộm chất thải
>> Thành lập 200 điểm thu gom chất thải nguy hại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.