Có cả văn mẫu của... Trung Quốc
Để học tốt các môn, tài liệu tham khảo thật sự rất cần thiết. Bởi những tài liệu này giúp học sinh (HS) mở rộng vốn kiến thức mà do thời gian eo hẹp ở trường, giáo viên không có điều kiện giảng dạy. Thế nhưng tài liệu tham khảo môn văn hiện nay không dừng lại đó. Bên cạnh những đầu sách thuộc dạng nghiên cứu, mở rộng kiến thức (mà ít HS nào chịu mua để đọc) là vô số tài liệu kiểu những bài văn mẫu. Phần lớn HS mua những cuốn sách này để rồi phụ thuộc hoàn toàn vào văn mẫu, dẫn đến tình trạng bài của HS hầu như na ná nhau, không có tính phát hiện.
Phải kiên quyết cấm văn mẫu và NXB Giáo dục phải gương mẫu trong chuyện này |
||
GS NGUYỄN MINH THUYẾT |
||
Đến nhà sách nào cũng thấy bạt ngàn sách tham khảo môn văn, chủ yếu là sách các bài văn mẫu. Số lượng tuyển tập văn mẫu có vẻ như ngày càng phong phú, mỗi khối lớp có hàng chục đầu sách và nội dung thì “bình mới, rượu cũ”. Ngay như lớp 2 và 3 chỉ học cách viết đoạn văn ngắn, đơn giản cũng có rất nhiều loại sách văn mẫu không kém lớp cuối cấp.
Tại TP.HCM, dạo quanh đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1), nơi tập trung gần 20 nhà sách mới thấy sự đa dạng của sách tham khảo dành cho HS. Riêng môn văn, từ lớp 2, HS có thể dễ dàng tìm được ít nhất gần 10 đầu sách dưới dạng những bài văn mẫu, văn hay, văn chọn lọc... Ở nhà sách Minh Khai, với những đề tài tập làm văn trong sách giáo khoa lớp 2, các NXB: ĐH Quốc gia TP.HCM, Hải Phòng, ĐH Sư phạm, Tổng hợp TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã xuất bản 8 đầu sách bao gồm: 162 bài tập làm văn chọn lọc, Tuyển chọn 171 bài văn hay, 270 đề và bài văn mẫu...
Trung tâm sách Sài Gòn, NXB ĐH Sư phạm cũng xuất bản cuốn Tuyển chọn những bài văn miêu tả, Tuyển chọn những bài văn kể chuyện cho HS lớp 3... Đặc biệt, NXB Văn hóa Thông tin và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản cuốn Những bài tập làm văn mẫu dành cho HS từ lớp 2 đến hết bậc THPT.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, năm học này sách văn mẫu còn phong phú hơn khi xuất hiện văn mẫu của Trung Quốc. Các sách như Những bài văn đoạt giải theo chủ đề của học sinh tiểu học Trung Quốc được dịch và bán tại các nhà sách với giá rất cao (gần 130.000 đồng/cuốn).
|
Đề mở cũng có... mẫu
Điều đáng buồn hơn, trong khi dư luận đang tràn trề hy vọng với những đề văn mở xuất hiện trong các kỳ thi thì mới đây thị trường cũng đã kịp xuất hiện văn mẫu dành cho đề... mở. Đáng lo ngại hơn khi chính NXB Giáo dục Việt Nam lại là nơi phát hành cuốn sách này.
Cuốn sách mang tựa Tuyển tập đề bài và bài văn theo hướng mở được “quảng cáo” như sau: “Đối với phần lớn HS thực hiện một đề bài theo hướng mở như thế nào để đạt điểm cao vẫn là một khó khăn, thử thách. Cuốn sách Tuyển tập đề bài và bài văn theo hướng mở sẽ giúp các em vượt qua thử thách đó”.
Ngoài việc hướng dẫn cách làm bài chi tiết về làm văn theo hướng mở thì sách này còn “giới thiệu” 43 bài văn mở tiêu biểu. Kết lại phần mở đầu, cuốn sách câu khách: “Nội dung sách có độ tin cậy, có khả năng ứng dụng cao vào việc làm bài của các em trong các kỳ thi và kiểm tra đánh giá”.
Giáo viên không đủ dũng cảm ?
Một giáo viên văn ở H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết mỗi lần giao bài làm văn về nhà, trung bình lớp có 3 - 5 trường hợp “bê” nguyên xi văn mẫu. Giáo viên Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM) thừa nhận: “Trong các kỳ thi, kiểm tra và cả thi tốt nghiệp, hiện tượng HS chép văn mẫu diễn ra khá phổ biến. Có những bài văn mà HS tả giống nhau về đoạn, cấu trúc, chỉ thay đổi vài từ vì có thể... các em quên”.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt tiểu học, bức xúc: “Chuyện này thật đáng buồn. Tôi cho rằng phải kiên quyết cấm văn mẫu và NXB Giáo dục phải gương mẫu trong chuyện này. Trước kia, thời chúng tôi đi học cũng thích đọc những bài văn mẫu nhưng chỉ để tham khảo. Văn mẫu bây giờ là của tác giả viết sách, mà văn phong đó là của người lớn chứ đâu còn gì là sự trong sáng của học trò nữa. Nếu bài văn nào cũng viết ra như cách giải bài tập và cô giáo vì tiện lợi, vì thành tích mà hướng dẫn cho HS làm bài dựa trên văn mẫu thì... quá dở”.
Tuy nhiên, GS Thuyết cũng cho rằng các thầy cô vì áp lực của cách thi cử, ra đề cứng nhắc, đòi hỏi kiến thức phải đúng mẫu, phải ghi nhớ... nên không ít giáo viên không dám dũng cảm, mạo hiểm. Chính vì vậy, theo ông Thuyết, muốn môn văn trở nên hấp dẫn với học trò thì phải đổi mới đồng bộ từ thiết kế chương trình - sách giáo khoa cho đến cách thi cử, kiểm tra, đánh giá.
Không dám nói lên suy nghĩ thật Qua nhiều năm kèm con, cháu học, tôi nhận thấy môn văn hiện dạy ở THCS là không thích hợp. Dạy quá nhiều, quá cao và rập khuôn không giúp HS dám nói lên suy nghĩ thật của mình. Cuốn Những bài văn mẫu 9, tập 1 của tác giả Trần Thị Thìn, đề 29, trang 98 yêu cầu: “Hãy kể một kỷ niệm về thầy cô giáo mà em nhớ mãi”. Tất cả bài văn mẫu khiến thầy cô là những ông, bà tiên trên bục giảng chứ không phải người bình thường vì luôn được miêu tả “nhỏ nhẹ”, “ân cần”... Có HS nào dám viết, chẳng hạn: “Em có ấn tượng xấu với một cô giáo có tính thù vặt”... hoặc “một thầy giáo nóng nảy, quát nạt chửi mắng HS đầu bò, óc trâu”? Nếu có bài văn như thế, liệu ngành giáo dục có chấp nhận không? Tại sao sau khi phân tích về những cái hay, cái đẹp của một tác phẩm, người viết sách không thêm một câu, đại loại: “Đây là ý kiến của những người cảm nhận tác phẩm trước đây. Riêng em, em có ý kiến gì, nhất là phát hiện những mâu thuẫn, sai sót hoặc yếu kém của tác phẩm?”. Trước năm 1975, ở miền Nam, chương trình học văn lớp 9 về Truyện Kiều chỉ trích có 4 đoạn ngắn. Giải nghĩa các từ Hán Việt, điển tích và phân tích sơ. HS thời đó đa số mê văn nên tự tìm hiểu thêm. Bây giờ sách văn lớp 9 Truyện Kiều trích đến 5 đoạn dài, phân tích quá tỉ mỉ, hỏi những câu quá cao, quá khó. Học mà không hiểu nên cứ lấy sách giải xào qua đổi lại để thành bài làm lấy điểm. TRẦN THANH TUYÊN |
Tả con mèo Một phụ huynh tại Q.7 (TP.HCM) xin giấu tên kể lại câu chuyện sau: Cô giáo yêu cầu HS tả con mèo nhà em. HS tả: “Con mèo nhà em chăm chỉ, mỗi đêm bắt được nhiều chuột. Em thường thưởng cho con mèo nhà em một con cá to”. Nhưng cô giáo sửa lại đoạn văn này: “Em thưởng cho con mèo nhà em một tô cơm và vài con cá nhỏ” (cho giống mẫu hướng dẫn). Vị phụ huynh này không đồng tình và đến trường hỏi vì sao cô lại sửa bài của con mình như vậy. Cô giáo này lý giải: “Chỉ có nhà giàu mới thưởng cá to. Thưởng cho mèo cá to rồi nhà lấy gì mà ăn”. Tả ông nội Một phụ huynh HS của Trường tiểu học Điện Biên (Q.10, TP.HCM) kể cô giáo ra bài tập làm văn tả về ông nội của mình. Cháu viết: “Ông của em râu tóc đã bạc phơ, ánh mắt nhìn thật hiền từ”. Trong khi ông nội của cháu năm nay mới hơn 50 tuổi, tóc chưa hề bạc. Tôi hỏi: “Sao đề bài yêu cầu tả ông nội của mình mà con tả ai vậy?”. Cháu trả lời: “Cô giáo nói người già thì râu tóc phải bạc phơ”! M.L - B.TH (ghi) |
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh - Minh Luân
Bình luận (0)