(TNO) Sau 6 năm gắn bó, ngôi sao bóng đá David Beckham đã nói lời chia tay với câu lạc bộ LA Galaxy và cả giải Bóng đá nhà nghề Mỹ - Major League Soccer (MLS).
>> Nhờ thắng Barcelona, Celtic sắp nhảy hip-hop cùng David Beckham
>> Sứ mệnh bí mật của Beckham
>> Beckham giữ vai trò quan trọng tại lễ khai mạc Olympic 2012
|
Trong khoảng thời gian đó, Beckham đã góp phần làm ngọn lửa bóng đá bùng cháy trong trái tim của người hâm mộ ở một quốc gia, nơi duy nhất trên thế giới gọi football không phải là bóng đá (ở Mỹ gọi bóng đá là soccer). Đây là điều mà không ai có thể phủ nhận. Song, những gì mà Becks làm được có to lớn như những nhận định được đưa ra trước khi anh về với LA Galaxy?
Trong trận chung kết MLS Cup (LA Galaxy đánh bại Houston Dynamo với tỷ số 3-1) cuối tuần vừa qua, các quan chức cấp câu lạc bộ và điều hành giải rất sốt sắng khi nói về 6 năm gắn bó của Becks. Họ nhận định đó là bước ngoặt của giải bóng đá lên 17 tuổi này.
Don Garber, cao ủy viên của MLS khen ngợi các cam kết của Becks bên ngoài sân cỏ trong việc phát triển bóng đá tại Mỹ nhưng ảnh hưởng chủ yếu vẫn ở khía cạnh gia tăng độ nhận biết về môn thể thao này ở trong nước và nước ngoài.
"Chúng tôi tin giải đấu sẽ phát triển và David cũng giúp cho sự phát triển đó, nhưng tôi nghĩ chẳng hề có sự lệ thuộc nào vào việc có anh ở giải đấu", New York Times dẫn lời ông Garber.
Số tiền được dùng để trả lương hàng năm cho Beck vào khoảng 6 triệu USD trong 5 năm đầu anh ở MLS đã dấy lên nhiều sự chú ý. Tuy nhiên đó chỉ là phần nhỏ trong các khoản đầu tư chủ chốt khác ở MLS, chẳng hạn như 200 triệu USD để xây sân vận động mới của CLB Sporting Kansas City.
Thống kê mới nhất cho thấy lượng khán giả trung bình của CLB này tăng từ 10.200 lên thành 19.400 người/trận.
|
Trong khi đó, lượng khán giả trung bình của MLS cũng lên con số 18.800 người/trận, tăng 3.000 người so với năm trước thời điểm Becks đến Mỹ. Sự hấp dẫn của cựu cầu thủ Manchester United đã tác động tích cực đến bóng đá chuyên nghiệp Mỹ là không thể phủ nhận nhưng song song đó, các câu lạc bộ cũng hưởng lợi từ việc gầy dựng nền tảng cộng đồng người hâm mộ trung thành.
Từ năm 2006, MLS mở rộng từ 12 lên 19 đội bóng nhưng các kế hoạch cho các câu lạc bộ mới này đã được xúc tiến trước khi LA Galaxy mang về cựu đội trưởng tuyển Anh từ tay Real Madrid.
"Giải đấu đang có vị thế rất tốt. Tiến trình mở rộng rất thành công. Việc xây sân vận động mới đã diễn ra trong nhiều năm và đã góp phần thiết lập nền tảng thật vững chắc", Garber nói.
Dù vậy, trong khi lượng người hâm mộ đến sân tăng là tín hiệu lạc quan thì MLS vẫn vật lộn để thu hút khán giả truyền hình.
Trận chung kết MLS năm trước giữa Los Angeles và Houston chỉ đạt chỉ số thu hút 0,8 trên kênh ESPN. Ngược lại, số hộ gia đình xem trận Chelsea-Liverpool phát lại qua truyền hình lại gấp đôi. Rõ ràng, MLS còn rất nhiều việc phải làm để thuyết phục người dân Mỹ rằng, giải đấu của họ cũng đáng xem như giải Anh hoặc Mexico.
Tuy vậy, câu hỏi có tuổi đời hàng thập kỉ rằng "liệu bóng đá có cất cánh tại Mỹ" là dư thừa. Rõ ràng, người Mỹ đang tính toán và thực hiện những mục tiêu cao hơn để MLS trở thành một trong những giải đấu hàng đầu thế giới.
Họ không xem Beckham là chiếc đũa thần mà chỉ là phát pháo hiệu cho hành trình xây dựng một giải đấu hấp dẫn ngay trên thị trường mà sự quan tâm dành cho bóng đá là không nhiều.
Quốc Huy
Bình luận (0)