Kỳ diệu tế bào thần kinh khứu giác

04/12/2012 03:05 GMT+7

Những chú chó bị liệt vì chấn thương tủy sống đã có thể vận động trở lại sau khi được ghép tế bào thần kinh khứu giác lấy ở mũi.

Công trình nghiên cứu vừa được công bố trên chuyên san Brain của các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge (Anh) đã mở ra triển vọng rất lớn cho y học: tế bào thần kinh khứu giác cho thấy khả năng đáng kinh ngạc về phục hồi và tái tạo các liên kết thần kinh bị đứt gãy. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật ghép tế bào này được áp dụng trên chấn thương thật sự. Khác với động vật ở phòng thí nghiệm bị thương tổn do con người chủ động gây ra và kiểm soát, 34 chú chó tham gia chương trình đều bị tai nạn dẫn đến chấn thương tủy sống nghiêm trọng, làm liệt 2 chân sau đã nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Phần lớn số chó thuộc giống teckel, với cấu tạo cơ thể lưng dài, chân ngắn, thường bị dạng chấn thương này.

 Kỳ diệu tế bào thần kinh khứu giác
Chó tập đi - Ảnh: Daily Mail

Tương tự tế bào gốc

 
Ngành y học tái tạo được xem là tương lai của y khoa với rất nhiều ứng dụng đang được nghiên cứu: nuôi cấy cơ quan nội tạng; phục hồi, tái tạo các cơ quan, bộ phận bị tổn thương; điều chế mỹ phẩm giúp duy trì tuổi thanh xuân… Giải Nobel Y học 2012 được trao cho 2 nhà khoa học John Gurdon (Anh) và Shinya Yamanaka (Nhật) với công trình nghiên cứu về tế bào gốc toàn năng cũng liên quan đến ngành này.

Các nhà nghiên cứu đã lấy tế bào thần kinh đệm ở mũi chó. Những tế bào này là lớp bảo vệ cho tế bào thụ cảm khứu giác. Hệ thống khứu giác ở mũi là nơi duy nhất trong cơ thể các tế bào thần kinh vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi đã qua tuổi trưởng thành. Nhờ vậy, đây được xem là một trong những hướng nghiên cứu quan trọng nhất của ngành y học tái tạo, chỉ sau tế bào gốc với khả năng phát triển thành bất cứ loại tế bào nào.

Sau khi tách ra, các tế bào thần kinh khứu giác được nuôi cấy rồi được tiêm vào vị trí bị tổn thương tủy sống của 23 chú chó. 11 chú chó còn lại thuộc nhóm đối chiếu kết quả nên chỉ được tiêm giả dược. Các chú chó được theo dõi 24 giờ để đảm bảo không phản ứng xấu với phương pháp điều trị này trước khi trở về nhà. Vài tháng sau, hầu hết số chó được tiêm tế bào thần kinh khứu giác đã có thể cử động hai chân sau và bắt đầu đi được trên thảm cuốn với sự hỗ trợ của đai an toàn. Không có con nào thuộc nhóm đối chiếu đạt được kết quả tương tự.

Nguyên nhân của sự “kỳ diệu” này là do các tế bào khứu giác đã giúp tế bào thần kinh ở vùng bị tổn thương tái tạo lại các liên kết đã đứt gãy. Giáo sư Robin Franklin, chuyên gia về liệu pháp tế bào và là tác giả của nghiên cứu nhận định: “Kết quả đạt được rất khả quan vì lần đầu tiên phương pháp ghép tế bào khứu giác cho thấy hiệu quả rõ rệt ở một chấn thương tủy sống nghiêm trọng”. Theo ông Franklin, sắp tới được thử nghiệm lên người, cách điều trị này cũng có thể giúp các bệnh nhân bị liệt vì những tổn thương tương tự phục hồi phần nào chức năng vận động. Nhiều khả năng phương pháp ghép tế bào thần kinh khứu giác sẽ được dùng kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả, chẳng hạn như dùng thuốc.

Lan Chi

>> Ứng dụng tế bào gốc điều trị bàn chân đái tháo đường
>> Chiết xuất trà xanh ức chế tế bào ung thư
>> Hóa chất BPA khiến tế bào trứng bất thường
>> Chữa bệnh điếc bằng tế bào gốc
>> Thực phẩm ngừa viêm mô tế bào

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.