Trung Quốc lại gây hấn với quy định bắt tàu

03/12/2012 04:00 GMT+7

(TNO) Còn chưa hết bất bình về hộ chiếu in “đường lưỡi bò”, dư luận quốc tế lại nổi sóng trước tin về quy định bắt bớ tàu của chính quyền Hải Nam.

Ngày 29.11, tờ China Daily đưa tin theo quy định sửa đổi được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Nam thông qua ngày 27.11, cảnh sát biên phòng địa phương được quyền lên tàu, khám xét, bắt giữ, tịch thu, phá hỏng động cơ và trục xuất bất cứ tàu nước ngoài nào đi vào “lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp”. Quy định sửa đổi, sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, còn ngang ngược nhấn mạnh cảnh sát biên phòng cần tăng cường tuần tra vùng biển thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc lập ra hồi tháng 7 để tự cho mình quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Reuters, trong cuộc họp báo ngày 30.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từ chối đưa ra thêm bất cứ giải thích nào ngoài tuyên bố các quốc gia có quyền tự do hàng hải tại khu vực biển Đông theo luật pháp quốc tế.

Mập mờ với yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm biển Đông, các chuyên gia quốc tế cho rằng nay Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khu vực với quy định bắt, khám tàu cũng lập lờ không kém. Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng các chuyên gia đã chỉ ra trong quy định mới này mà có vẻ Trung Quốc đang cố tình lấp liếm: Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) không cho phép tịch thu tàu bè nước ngoài trong vùng biển quốc tế hay còn đang tranh chấp.

Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) nói với Thanh Niên: “Tôi đã nghiên cứu lại rất kỹ các điều khoản trong UNCLOS và rõ ràng là nó không cho phép việc thu giữ tàu bè nước ngoài trong vùng biển còn đang tranh chấp. Hãy chờ xem Trung Quốc có vin vào quy định mới để tiếp tục bắt bớ tàu cá tại Trường Sa hay không. Nếu đúng như vậy, rõ ràng đây sẽ là những động thái hết sức ngang ngược”.

Đồng quan điểm với ông Valencia, bà Tôn Vân (nguyên là chuyên gia Trung Quốc thuộc Nhóm ICG tại Bắc Kinh) nhận định: “Trung Quốc chưa bao giờ thuyết phục được cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp của đường lưỡi bò, vậy nên hãy chờ xem cảnh sát Hải Nam sẽ thực thi quyền hành của mình đến đâu”.


Tàu ngư chính 310 của Trung Quốc từng xâm nhập trái phép vùng biển thuộc Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
 

Tham vọng lớn, hành vi nhỏ nhen

Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng những động thái gây quan ngại gần đây của Trung Quốc chưa phải là những bước đi cuối cùng trong tham vọng của nước này tại biển Đông. Thế nhưng, những gì Trung Quốc đã và đang làm cho thấy nước này đang xây dựng một hình ảnh hoàn toàn không xứng đáng với những tham vọng lớn lao mình đặt ra. Tiến sĩ Kerry Brown (Tổ chức Chatham House - Anh) nói: “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc biển trong tương lai nhưng lại hành xử không hề có dáng dấp và trách nhiệm như một nước lớn. Hãy xem những gì họ đã làm: gây hấn, khiêu khích với láng giềng trong các tranh chấp lãnh hải dựa trên những bằng chứng và động thái mập mờ, và không bao giờ thành tâm xây dựng một giải pháp chung dựa trên luật pháp quốc tế. Tham vọng thành nước lớn, nhưng hành xử không hơn gì một nước nhỏ lúc nào cũng chỉ chăm chăm tự xác lập mọi việc theo hướng có lợi trực tiếp cho mình”.

Các chuyên gia cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, động thái ban hành quy định mới nói trên, cộng với việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu, là những công cụ đắc lực để giúp họ khẳng định cái gọi là chủ quyền lãnh hải trong tương lai, cho dù nó có bị chỉ trích là lập lờ trong diễn giải luật pháp quốc tế hay ngang nhiên biến không thành có.

Nhiều bên phản ứng

Ngày 2.12, báo The Philippine Star đưa tin Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) vừa yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila “lập tức làm rõ kế hoạch chặn bắt tàu xâm nhập vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền” ở biển Đông. DFA nhấn mạnh nếu thông tin nói trên chính xác thì “đây là hành động hoàn toàn phi pháp”.

Ngoài DFA, Hội đồng về vấn đề đại lục của Đài Loan ngày 29.11 cũng lên tiếng quan ngại về quy định nói trên, theo Hãng tin CNA. Đến ngày 30.11, báo Taipei Times dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Đối ngoại Đài Loan Lâm Vĩnh Lạc yêu cầu Bắc Kinh kiềm chế và tôn trọng quyền tự do đi lại được quốc tế công nhận ở biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland thì tuyên bố nước này sẽ thảo luận với Trung Quốc về thông tin trên “để hiểu rõ hơn ý định của họ”. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwa cảnh báo rằng những quy định sửa đổi tăng quyền cho cảnh sát của tỉnh Hải Nam có thể gây ra những vụ đụng độ trên biển và làm tổn hại kinh tế khu vực. Như Reuters bình luận, ngay cả người nổi tiếng ôn hòa như ông Surin cũng phải dùng những “từ ngữ mạnh mẽ bất thường” để nói về chuyện này thì rõ ràng tham vọng bá quyền của Trung Quốc vẫn chưa thôi gây sóng gió.

Đáng lưu ý, ngày 1.12, một nhóm 4 tàu chiến Trung Quốc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ cùng trực thăng, theo Tân Hoa xã. Cuộc diễn tập, tại một địa điểm không được thông báo, dựa trên giả định rằng một số tàu thực thi luật pháp Trung Quốc đang đối đầu với tàu chiến nước ngoài trong lúc họ làm nhiệm vụ, dẫn đến nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc rơi xuống biển.

Minh Trung

An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.