Minh Tâm chia sẻ, trước khi bày ra vẽ cái gì, anh đều cảm thấy rất hào hứng, khi xong rồi thì hài lòng với tác phẩm. Nhưng càng về sau, càng thấy nó cũng bình thường thôi! Những khoảng lặng ngắt quãng cái “máu” sáng tạo ấy tất nhiên làm anh ngột ngạt, khó chịu, muốn làm điều gì đó để thoát ra. Anh cười: “Mình phải thay đổi liên tục, phải đào sâu khai thác, đem sự phóng khoáng, thoải mái để bắt một hình tượng cho tác phẩm của mình. Sau khi hoàn thành công việc, không chấp nhận bằng lòng với bấy nhiêu đó để ngủ quên trên thành quả và không cho phép mình lơ là”.
Bịch nylon phập phồng…
Năm 2007, Trần Minh Tâm có triển lãm cá nhân đầu tiên tại Paris mang tên Huiles & Dessins. Tại triển lãm này, người ta đã mua phần lớn tranh của anh. Hai triển lãm cá nhân kế tiếp trong năm 2008 là The Untouched Lives Of Vietnam tại New York và Paris cũng vậy, người mua tranh đã rất hào hứng. Ngoài ra, nhiều triển lãm khác của anh từ năm 2001 đến nay cũng rất thành công. Có những triển lãm, người xem đã mua đến 27 bức tranh.
|
Thế nhưng không bằng lòng với thực tại cùng với sự thôi thúc cần phải thoát ra cái tôi của chính mình, Trần Minh Tâm lại nhào nặn lên những ý tưởng về những cái bịch nylon phập phồng nước và mất hơn hai năm để cho ra đời bộ The form được đánh giá như một sự bứt phá ngoạn mục. “Trong các bao gói kỹ, trói chặt sẵn sàng cho một thương vụ kia có thể đang phập phồng chính cơ thể ta, trí tuệ ta, tình cảm của ta... bất kể giàu hay nghèo. Chẳng phải những thứ thiêng liêng ấy nay cũng chỉ còn là các món hàng? Và con người bị đồ vật hóa khá toàn diện”, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói về hình tượng “bịch nylon trong tranh của Trần Minh Tâm như vậy.
|
Với anh, ý tưởng sáng tạo luôn bắt nguồn từ cuộc sống. Hiện thực hỗn tạp vui buồn, tốt xấu, chân thành hay giả dối kia ào ạt từng ngày vào đầu óc con người. Vì vậy, ý tưởng - nó ở đâu đó trong con người từ lâu lắm rồi. Nhiều khi bước chân ra đường chỉ để quan sát mọi thứ, để cuộc sống ùa ập vào mắt, vào suy nghĩ. Hiện thực tiềm ẩn cùng với những trải nghiệm của bản thân đến một lúc nào đó vội vàng bật ra thành ý tưởng. Chung quy lại, vẽ gì thì vẽ vẫn là nói về con người, phản ánh con người giống như đã đặt con người là trung tâm của vũ trụ vậy.
Có những lúc, tâm lý con người biểu hiện qua gương mặt ám ảnh người họa sĩ. Con người này với gương mặt như thế này. Con người khác gương mặt như thế khác. Khi đặt chung với nhau giống như một xã hội thu nhỏ. “Mình đặt các nhân vật chung lại, trở thành một bộ tiểu thuyết có nhân vật chính nhân vật phụ. Có những lúc, chẳng muốn thể hiện trực diện những gương mặt đó. Chỉ muốn lồng nó vào một khối vật thể để người xem tự tìm thấy, tự hiểu lấy…”, anh chia sẻ.
Đường đi sẽ đụng chạm
Trần Minh Tâm cho rằng, sự phát hiện phải là do bản thân người làm nghề và nó rất quan trọng. Nếu lập một cuốn sách mỹ thuật hội họa thế giới, để chọn ra 100 họa sĩ thì người ta sẽ chọn những người khác nhau. Nếu chọn 100 người mà ai cũng vẽ giống ai thì chỉ nên chọn 1 người để khỏi phí những trang sách, tốn tiền và mất công người xem.
“Đôi lúc có người so sánh tác phẩm của tôi có điều gì đó giống với những người khác. Có thể họ đúng hoặc họ sai. Nhưng tôi cho điều đó không quan trọng vì họ không đưa ra được tác phẩm nào cụ thể để chứng minh cả. Chắc chắn là có những người đi trước cũng làm đề tài như tôi đã làm nhưng tôi nghĩ chỉ cần mình làm bằng tư duy, sự thể nghiệm, thủ pháp của riêng mình là được. Trên con đường đi của mình sẽ đụng chạm đến nhiều người. Nhưng quan trọng là anh làm được cái gì để người ta nhớ đến anh, nhắc đến anh; có được tiếng nói riêng biệt của anh trong nền mỹ thuật hay không”, anh nói.
Anh không thích diễn giải trong một tấm tranh. Cơ bản, sự tư duy của người xem là mấu chốt quan trọng nhất cho sự tồn tại của bức tranh. Anh thích để họ tự tư duy lấy, diễn giải lấy hình tượng đó, để cho họ có những diễn giải riêng của họ về điều mà họ nhìn thấy. Những gì mà họ đã va vấp sẽ mang đến một lăng kính khác để soi rọi vào tác phẩm nghệ thuật. “Tôi không muốn áp đặt suy nghĩ của mình cho người xem vì như vậy nó sẽ mang tính giải thích và chủ đề sẽ hẹp đi. Tôi đặt ra một chủ đề để mọi người có thể bàn luận về nó như một hình tượng mang tính chính trị, môi trường, xã hội, con người… hay một điều gì khác, chỉ người xem mới biết. Điều đó thật thú vị”.
Sự tồn tại của bức tranh thực sự ý nghĩa khi nó đến được với công chúng. Anh nhận định, ở Việt Nam, người thưởng thức tranh vẫn chưa thật sự tự tin vào khiếu thẩm mỹ của họ. Họ xem, lựa chọn một bức tranh cho mình dựa trên nhiều kênh đánh giá, tham khảo nhiều quan điểm hơn là chọn nó vì họ thấy nó đẹp và có giá trị. Kiểu tính toán chi li: nếu bỏ ra một số tiền lớn mua ti vi hay gửi ngân hàng sẽ mang lại lợi ích thực tế hơn là mua một bức tranh đẹp treo trong nhà, khiến khoảng cách giữa tác phẩm nghệ thuật và công chúng còn khá xa.
“Có những vấn đề thế này, không phải tác giả nào cũng may mắn gặp được những nhà sưu tầm đánh giá đúng giá trị, tâm huyết và sự sáng tạo mà mình bỏ vào tác phẩm. Mà người họa sĩ nào cũng phải sống được rồi mới tính tới chuyện sáng tạo. Nói như thế để thấy rằng, khi lựa chọn bất cứ con đường nào, bạn đều phải đối mặt với rất nhiều thử thách và phải trả giá nhưng điều đó không quan trọng bằng cách bạn làm việc với chính cái tâm của mình”, anh nói.
Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Thanh Thùy
>> Lê Lộc - Sáng tạo vì môi trường
>> Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Muốn thay đổi ngành giáo dục nhồi nhét
Bình luận (0)