Ý đồ bình thường hóa những điều phi lý

05/12/2012 05:00 GMT+7

Các chuyên gia đánh giá những hành động ngang ngược liên tiếp của Trung Quốc ở biển Đông vừa qua là nhằm ý đồ biến không thành có.

Bộ Ngoại giao Singapore ngày 3.12 bày tỏ quan ngại về quy định sửa đổi của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho phép cảnh sát lục soát, tịch thu tàu nước ngoài vào khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tham gia tranh chấp ở biển Đông kiềm chế các hành vi khiêu khích”, Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Singapore cho hay. Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ D.K.Joshi thì cho hay hải quân đang tập luyện để sẵn sàng hoạt động ở biển Đông nhằm bảo vệ tài sản và quyền lợi quốc gia tại đây.

Như vậy, Trung Quốc đang vấp phải phản ứng liên tục bởi những động thái gây hấn liên tiếp của mình - từ in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu, ra quy định khám xét và bắt giữ tàu đến cho tàu cá quấy rối, làm đứt cáp tàu Bình Minh 02. Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) nhận định với Thanh Niên: “Trung Quốc đang cố tình tạo ra bầu không khí bình thường trong các động thái khẳng định chủ quyền vô lý của mình trên hầu hết toàn bộ biển Đông. Qua thời gian, nếu các bên không có những biện pháp kháng cự hiệu quả, những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh dù có vô lý đến đâu cũng sẽ nghiễm nhiên được xác tín”.


Tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc Trường Sa của Việt Nam hồi tháng 7 - Ảnh: Chinabuzz.net
 

Theo ông Holmes, Trung Quốc tự cho mình cái quyền bất thình lình tăng nhiệt căng thẳng bằng những động thái khiêu khích. Nếu các bên liên quan có động thái nào đáp trả, Bắc Kinh sẽ ngay lập tức “vừa ăn cướp vừa la làng”, quy chụp các nước đó mới là bên gây hấn và rất có khả năng quân sự hóa vấn đề. Tiến sĩ Toshi Yoshihara (cũng thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) kết luận: “Và do vậy, Trung Quốc luôn có cớ để cho rằng mình không dùng vũ lực nhưng luôn ngầm đe dọa các nước láng giềng rằng sẽ có xung đột xảy ra nếu bên nào làm trái ý họ. Bằng cách đó, Trung Quốc tin rằng sẽ dần dà đạt được những mục tiêu của mình”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng tốc các hành động khai thác và quản lý phi pháp đối với những khu vực nước này tuyên bố chủ quyền và kiểm soát trên biển Đông. Giới chức các tỉnh và đặc khu hành chính phía nam nước này vừa nhất trí thành lập đội tàu cá chung và cơ sở cung cấp thủy sản ở cái gọi là TP.Tam Sa, theo Tân Hoa xã ngày 3.12. Đây là động thái mới nhất nhằm hợp lý hóa “TP.Tam Sa”, vốn vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động mới nằm trong thỏa thuận tăng tốc khai thác biển Đông được giới chức đưa ra tại một diễn đàn tỉnh Hải Nam từ ngày 28.11 - 2.12. Đến ngày 3.12, Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) tuyên bố hướng đến sản xuất 15 tỉ m3 khí đốt tự nhiên/năm ở biển Đông trước năm 2015, theo Hoàn Cầu thời báo. NEA còn khẳng định biển Đông sẽ “tạo thành phần chính” của các kế hoạch thăm dò khí đốt ngoài khơi của Trung Quốc.  

Việt Nam trao công hàm phản đối

Ngày 4.12, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 3.12 đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 27.11, chính quyền Hải Nam thông qua bản sửa đổi “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” và ngang ngược đưa 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào phạm vi áp dụng. Trước đó, ngày 23.11, Trung Quốc cho xuất bản bản đồ “Tam Sa”, phạm vi bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã tiếp tục có hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam vào sáng sớm ngày 30.11. Các tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 16025 và 16028 bất chấp tín hiệu cảnh báo của lực lượng chức năng của Việt Nam, cố tình cản trở và gây đứt cáp tàu Bình Minh 02 đang thăm dò địa chấn bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Vị trí tàu Bình Minh 02 bị đứt cáp tại tọa độ 17026,2’ vĩ tuyến bắc, 1080 02’ kinh tuyến đông, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam, chỉ cách đảo Cồn Cỏ khoảng 43 hải lý.

Ông Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10.2011; trái với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Tuyên bố cấp cao kỷ niệm 10 năm DOC, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp”.

Ng.Phong

Tấm hộ chiếu bị cự tuyệt

Theo Hoàn Cầu thời báo ngày 4.12, cơn phong ba ngoại giao bởi tấm hộ chiếu in “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vẫn tiếp tục chưa yên. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết tất cả đại sứ quán, lãnh sự quán của mình ở nước ngoài đều đã nhận được thông báo mới về việc chỉ đóng dấu thị thực cho người Trung Quốc trên giấy thông hành rời, không đóng lên cả hộ chiếu mới và cũ để tránh sơ sót, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3.12, theo hãng tin CNA.

Trước tình cảnh trên, cư dân mạng Trung Quốc tiếp tục lao lên các diễn đàn lớn để trút bực bội. Trên huati.weibo.com, nick Hoảng Lão Hiển than vãn: “Từ sau khi tấm hộ chiếu mới in hình bản đồ, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Đài Loan liên tục cự tuyệt thừa nhận về vùng lãnh thổ đang tranh chấp. Hộ chiếu Trung Quốc đúng là một tấm rác rưởi, đi nước nào cũng không được miễn thị thực. Giờ hộ chiếu vừa ra đã bị từ chối cấp thị thực luôn thế này. Hộ chiếu Trung Quốc thực sự chỉ là thứ khiến người dân thêm bế tắc”.

Nick Trương Vấn Eric lại nổi giận bừng bừng: “Hộ chiếu Trung Quốc vốn đã không dễ dùng. Rất ít nước chịu miễn thị thực. Hộ chiếu mới lại càng gây khó khăn. Chính phủ Trung Quốc, lẽ nào muốn người dân đi du lịch ở nước ngoài đều phải trở thành phát ngôn viên của bộ ngoại giao? Lẽ nào các người cứ phải ép công dân Trung Quốc đổi quốc tịch nước ngoài mới chịu đây?”.

Không ít cư dân mạng Trung Quốc cũng hết lòng bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam và Philippines, như nick Tàu ngầm săn hạt nhân: “Ủng hộ kịch liệt chính quyền Philippines đuổi hết dân du lịch Trung Quốc”. Nick Triệu Tứ Cô Lương cũng xuýt xoa: “Thật thán phục Philippines và Việt Nam. Rất nhiều người nói rằng không cần tới 2 nước nhỏ và nghèo này là xong. Ha ha, những kẻ “ếch ngồi đáy giếng” như tôi không dám bình luận. Tuy nhiên, bất kể nước ta rộng lớn thế nào, GDP bao nhiêu, nhưng trước khi vấn đề tranh chấp biên giới vẫn chưa đạt được tiếng nói chung thì việc tự ý sửa đổi thế này là vô đạo đức. Cứ ngỡ rằng mình thông minh hóa ra lại phản tác dụng”.

Lucy Nguyễn

An Điền - Văn Khoa

>> Tàu cá Trung Quốc phá cáp tàu Bình Minh 02
>> Ngư dân Lý Sơn đóng tàu cá vỏ sắt trọng tải 600 tấn
>> 23.000 tàu cá Trung Quốc sẽ đổ xuống biển Đông
>> Hàng ngàn tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ùa xuống biển Đông
>> Yêu cầu Trung Quốc thả ngay ngư dân và tàu cá Việt Nam
>> An toàn của tàu cánh ngầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.