|
Thách thức lớn do biến đổi khí hậu
Trong khuôn khổ diễn đàn, hôm qua 5.12 đã diễn ra cuộc hội thảo tham vấn lần thứ hai “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long”. Đây là cuộc hội thảo với quy mô lớn nhằm tập hợp ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ quản lý và kinh nghiệm thực tiễn của bà con nông dân nhằm tìm giải pháp tốt nhất để ĐBSCL phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Đây cũng là mục tiêu chính trong hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hà Lan trong xây dựng Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, tầm nhìn đến năm 2100.
Trong 2 thập kỷ qua, từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, ĐBSCL đã vươn lên trở thành vựa lúa và là trung tâm xuất khẩu gạo lớn nhất của cả nước, góp phần đưa Việt Nam lên vị trí thứ hai của các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, ĐBSCL đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của BĐKH, khiến tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên gay gắt. Mặt khác, sự suy giảm dòng chảy vào mùa khô trên sông Mê Kông và giảm lượng mưa vào mùa khô càng khiến cho tình trạng khan hiếm nước ngọt nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, việc nước biển dâng cao và xâm nhập mặn có thể khiến cho một diện tích lớn của vùng đất trù phú trở thành môi trường nước lợ. Đó là những thách thức lớn đang đặt ra, đòi hỏi phải có những giải pháp thích hợp để chủ động ứng phó.
Theo tài liệu công bố tại buổi hội thảo, vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng của BĐKH và những thay đổi của khu vực thượng nguồn, do vị trí nằm ở ven biển và hạ lưu sông khiến vùng đồng bằng đặc biệt dễ bị tổn thương. Cụ thể, với sự tác động của những đập thủy điện đã và đang được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông, lượng trầm tích bồi đắp cho vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục bị suy giảm và các đợt lũ lụt hằng năm biến mất dần, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng đầu nguồn; khai hoang, lấn đất ở vùng ngập lũ ĐBSCL cũng làm giảm khả năng chống lũ và làm tăng nguy cơ về lũ lụt. Việc khai thác nước ngầm quá mức tại các khu vực công nghiệp và đô thị hóa cũng gây ra hiện tượng sụt lún đất, góp phần làm trầm trọng thêm các nguy cơ do lũ gây ra. Vì vậy, trong quá trình ứng phó với BĐKH, không thể xem nhẹ những tác động phát sinh từ hoạt động của con người.
4 kịch bản phát triển nông nghiệp bền vững
Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng phát triển nông nghiệp của ĐBSCL hiện đang thiếu tính bền vững. Trong bối cảnh tác động của BĐKH, làm thế nào để ĐBSCL vẫn giữ được vai trò trụ cột của cả nước về sản xuất nông nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng. Theo ông Sương thì “Hà Lan là quốc gia nằm thấp hơn mực nước biển lại có nền nông nghiệp phát triển nên có kinh nghiệm trong đối phó với BĐKH, nước biển dâng. Vì vậy việc hợp tác, trao đổi để giải quyết những vấn đề tương tự ở ĐBSCL là rất thiết thực”.
Giáo sư Dick Kevelam, Trưởng nhóm chuyên gia Hà Lan cho biết: “Tại hội thảo, chúng tôi đưa ra 4 kịch bản cho sự phát triển căn cứ vào tình hình thực tiễn hiện nay của ĐBSCL. Theo đó, xây dựng kế hoạch dựa theo những điểm mạnh của ĐBSCL là phát triển nông nghiệp bền vững và hợp lý. Sản xuất hàng hóa, dịch vụ từ các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng giải pháp thích ứng với BĐKH, hiện đại hóa vùng nông nghiệp chuyên biệt và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp”.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai, vị thế ĐBSCL có được là nhờ những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, nhưng việc xây đập thủy điện tràn lan đang đặt ra nhiều thách thức. “Theo kế hoạch thì trên dòng chính sông Mê Kông sẽ có 11 đập thủy điện mới được xây dựng, việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu. Cụ thể là nguồn nước, nguồn phù sa sẽ bị suy giảm nghiêm trọng vì chiều dài sông Mê Kông sẽ biến thành các hồ chứa ngăn nước lại khiến cho dòng chảy bị thay đổi. Trong khi đó, phát triển nông nghiệp vẫn là thế mạnh của ĐBSCL”.
Về vấn đề này, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kinh tế Nhà nước, nói thẳng: “Mê Kông là con sông quốc tế. Vì vậy các dự án chuyển nước hoặc xây dựng đập thủy điện phải được xem xét hết sức thận trọng, phải báo cáo tác động môi trường đến toàn lưu vực. Việc khai thác nói chung của các nước thượng nguồn phải đi đôi với trách nhiệm về biến động trong toàn lưu vực”.
Hoàng Phương - Đình Tuyển
Bình luận (0)