Kịch kinh dị ồn ào trở lại

06/12/2012 10:10 GMT+7

Không nên cho rằng kịch kinh dị sẽ làm lệch lạc thị hiếu khán giả, điều quan trọng là vận dụng hình thức đó để xây dựng những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc

Sau một thời gian tạm lắng, dòng kịch kinh dị từng làm ngán ngẩm giới chuyên môn lẫn người xem tại TPHCM nay đã quay trở lại và có xu hướng bùng phát. Đây được xem là giải pháp cứu nguy trước tình trạng doanh thu đang tụt giảm của các sân khấu kịch xã hội hóa.

Nhu cầu có thật

Chuyện về một tối chủ nhật có 4 sân khấu kịch tại TPHCM đồng loạt trả vé đã khiến giới làm nghề lo lắng. Tuy nhiên, các sân khấu dựng kịch kinh dị có vẻ hài lòng khi doanh thu giữ được ổn định. Ngay cả kịch cà phê cũng đang ăn nên làm ra khi các vở kịch kinh dị chiếm hầu hết kịch mục quảng cáo.

Sau thành công về doanh thu của vở Hai, tư, sáu (tác giả, đạo diễn: Lê Quốc Nam), sân khấu kịch Superbowl đang chuẩn bị ra mắt 2  vở kinh dị: Ba, năm, bảy và Trăng máu. Hiện các vở kịch của dòng kịch này như: Người vợ ma 1 và 2, Quả tim máu, Oan gia… đều đạt doanh thu. Nhà hát Thế Giới Trẻ an tâm khi quảng cáo giới thiệu các suất diễn trong tuần những vở: Họa hồn, Lầu hoang, Điện thoại nửa đêm. Kịch Sài Gòn “ăn” bền với các vở: Quỷ, Áo cho người chết, Hồn ma báo oán…; Kịch Tâm Ngọc có các vở: Hồn về từ đáy mộ, Mổ xác…

NSND Hồng Vân nhận định: “Quan niệm nhà hát nào, khán giả đó đang khiến người làm nghề suy nghĩ lại. Bởi, khán giả thay đổi nhu cầu, thị hiếu liên tục. Họ đòi hỏi và tỏ ra thích thú khi xem những vở diễn thuộc đề tài kinh dị pha hài hước, gay cấn, mạo hiểm. Khán giả của sân khấu này có lúc lại sang xem các vở diễn của sân khấu khác nhưng nhìn chung, thăm dò của chúng tôi cho thấy kịch kinh dị có pha hài hước chiếm 2/3 thị phần kịch hiện nay. Điều này buộc Sân khấu Kịch Phú Nhuận “lấy ngắn nuôi dài”, nâng chất các vở kịch kinh dị pha hài hước để có tiền nuôi các vở diễn chính luận. Cụ thể như vở Nỏ thần, dù được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt nhiều giải thưởng nhưng doanh thu rất kém”.

Đạo diễn Ngọc Hùng (Nhà hát Thế Giới Trẻ) cho biết: “Chúng tôi đã có một lượng khán giả ổn định, chấp nhận các vở diễn thể loại kinh dị nhưng tập trung vào tuổi “teen”. Với cách làm này, chúng tôi sẽ bị xem là chạy theo thị hiếu nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường, không thể liều lĩnh thể nghiệm hướng đi khác hơn, khi nhu cầu khán giả là có thật”.

Gần gũi nhưng không nên lạm dụng

Kịch kinh dị trở lại có phần ồn ào nhưng trên thực tế, chất lượng của nó chưa gọi là đột phá. Những chiêu trò hù dọa bằng âm thanh hoặc đưa “ma” xuống khán phòng không có gì mới mẻ. NSƯT đạo diễn Trần Minh Ngọc nói: “Có chăng là phần gia cố cho câu chuyện thêm phần kịch tính, thuyết phục hơn”.

Từ hàng ghế khán giả, bạn Nguyễn Kim Yến (quận Gò Vấp - TPHCM) lý giải: “Tôi thích xem kịch kinh dị không phải vì thích trò ma quỷ mà vì các vở kịch đều có nội dung gần gũi với đời sống hôm nay”. Bác Huỳnh Thị Minh Gái (quận Phú Nhuận - TPHCM) nhận xét: “Xem dòng kịch chính luận ngày nay thấy các nghệ sĩ diễn xa rời thực tế. Cứ mô típ người tốt sẽ gặp điều thiện, người xấu sẽ trả giá, trong khi kịch kinh dị lật ngược vấn đề, người mang mặt nạ đạo đức hóa ra là kẻ gây tội ác. Chính vì sự bất ngờ đó mà kịch kinh dị ngày nay cuốn hút người xem”.

Quả thật, xem vở Hai, tư, sáu của tác giả, đạo diễn Lê Quốc Nam, khán giả sẽ nhận thấy cái kết rất bất ngờ. Hoặc Điện thoại nửa đêm của Nhà hát Thế Giới Trẻ đã xây dựng một cái kết mà khán giả không thể ngờ được. Kịch kinh dị gần đây cho thấy các tác giả hướng tới những mâu thuẫn gia đình nhiều hơn là dựa vào một thế giới tâm linh, siêu nhiên nào đó. Cái ác, điều thiện diễn ra gần gũi hơn, chân thật và nhẹ nhàng, chứ không còn lên gân, cường điệu như lúc kịch kinh dị mới bộc phát.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn, việc các sàn diễn còn đủ sức lôi kéo khán giả đã là một điều đáng ghi nhận. Không nên cho rằng kịch kinh dị sẽ làm lệch lạc thị hiếu khán giả, điều quan trọng là vận dụng hình thức đó để xây dựng những câu chuyện mang tính nhân văn sâu sắc.

Với cái nhìn mang tính chiến lược, đạo diễn - NSƯT Việt Anh đánh giá: “Tôi không lên án kịch kinh dị hoặc kịch đồng tính, bởi đề tài đó đang nóng, đủ độ lôi cuốn số đông khán giả thì chúng ta làm. Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng điều này mà quên đi trách nhiệm định hướng thẩm mỹ cuộc sống, nâng cao giá trị nhân văn”.

Theo Thanh Hiệp \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.