Việc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, đề xuất cho phép cảnh sát biển kiểm tra tàu bè tại khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đã bị chỉ trích từ không ít quốc gia trên thế giới. Đó là vì động thái trên có thể đe dọa tự do hàng hải trong khu vực.
Hai trục liên minh
Nhận xét với Thanh Niên, ông Christian Le Miere, chuyên gia về hải quân và an ninh biển tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh, cho rằng: “Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ bằng con đường ngoại giao và dĩ nhiên sẽ tái khẳng định quyền tự do hàng hải. Điều này sẽ tác động khiến Mỹ chuyển hướng và nối kết mạnh mẽ hơn với các nước Đông Nam Á”. Tương tự, chuyên gia Swee Lean Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nhận định: “Những nước không trực tiếp liên quan đến vấn đề biển Đông như Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở khu vực này. Có nhiều dấu hiệu cho thấy mối hợp tác an ninh gần gũi hơn giữa 3 cường quốc trên, với những động thái gần đây giữa Ấn Độ và Nhật Bản để mở rộng hợp tác an ninh, nhấn mạnh vào các tuyến hàng hải”.
|
Bên cạnh đó, trong tham luận trình bày tại Hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ 4, diễn ra ngày 19 - 21.11 ở TP.HCM, Phó đô đốc (nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki của Nhật Bản, chỉ ra nhiều liên minh hàng hải đang hình thành ở khu vực. Theo ông Kaneda, biển Đông ẩn chứa các bất ổn đe dọa an ninh hàng hải mà Bắc Kinh là nguy cơ. Vì thế, ông nhận định Washington và Tokyo đang phối hợp hình thành các quan hệ đa phương hẹp với Úc và Ấn Độ mà trung tâm là Liên minh Nhật - Mỹ.
Tham luận của ông nêu rõ: “Liên minh Mỹ - Nhật về căn bản là một liên minh biển trong quá khứ, hiện tại và tương lai gần. Tuy nhiên, xét tình hình an ninh hiện tại, việc đảm bảo an ninh cho toàn bộ “Mạng lưới hàng hải” (Broad SLOC) rõ ràng là một điều không thể nếu chỉ có một mình Mỹ hay Liên minh Nhật - Mỹ thực hiện. Điều đó cho thấy cả Nhật và Mỹ đều phải phối hợp các quốc gia biển đáng tin cậy khác để hình thành nên một khuôn khổ mới cho việc đảm bảo an ninh các tuyến giao thông trên biển. Hướng tới mục tiêu này, Úc hay Ấn Độ đều được mong đợi sẽ đóng những vai trò quan trọng hơn và các Hợp tác An ninh đa phương hẹp Nhật - Mỹ - Úc hay Nhật - Mỹ - Ấn Độ cũng được mong đợi sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”. Theo đó, liên minh Nhật - Mỹ - Úc mở rộng theo trục bắc - nam còn Nhật - Mỹ - Ấn Độ mở rộng theo trục đông - tây để kết hợp tạo động lực cho khuôn khổ vững chắc cho an ninh hàng hải khu vực.
Thực tế, trong thời gian qua, các nước trên đều tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác cả song phương lẫn đa phương. Điển hình như việc Tokyo và New Delhi cùng tập trận chung song phương sau nhiều lần tập trận chung với Washington. Mỹ cũng triển khai lính thủy đánh bộ đến Úc.
Vai trò ASEAN và Việt Nam
Cũng trong bài tham luận trên, ông Kaneda nhận định: “Những hành động như vậy đặt ra cảnh báo đối với Nhật Bản, Mỹ, các nước ASEAN, Úc, Ấn Độ, và các nước hiểu biết lý lẽ khác”. Vì thế, theo ông: “Để bảo đảm an ninh biển tại biển Đông, Mỹ, Nhật ý thức rõ nhu cầu tăng cường sự gắn kết với các nước thành viên ASEAN”.
Đồng thời, Phó đô đốc Kaneda còn nhận định Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng đối với an ninh hàng hải trong khu vực. Tham luận của ông nêu: “Ba nước Mỹ, Nhật và Việt Nam cùng chia sẻ những giá trị chung”. Theo ông, đó là việc duy trì tự do trên biển và tự do hàng hải ở các vùng biển trong khu vực, dựa theo luật lệ và tập quán quốc tế hiện hành và được ủng hộ rộng rãi, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và thịnh vượng của khu vực và các dân tộc. Nhất là khi các vùng biển này, ví dụ như biển Đông, cung cấp nguồn tài nguyên khổng lồ và các tuyến hàng hải an toàn.
Báo mạng Trung Quốc tung tin bịa đặt Báo mạng Trung Quốc Đại quân sự (dajunshi.com) vừa đăng bài mang tên Chấn động toàn cầu: Giải phóng quân quyết đánh chìm tàu thăm dò dầu khí Việt Nam. Bài báo này tung tin rằng tàu Việt Nam bị đánh chìm vì bất chấp sự phản đối của tàu Trung Quốc và tiếp tục thăm dò dầu khí trên biển Đông. Tuy nhiên, vào chiều 6.12, trao đổi với Thanh Niên, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu cho biết thông tin tàu thăm dò dầu khí Việt Nam bị bắn cháy là không đúng. Ông Hậu khẳng định 1 tàu thăm dò và rất nhiều tàu khác của PVN vẫn đang hoạt động bình thường với các phương án bảo vệ từ trước. Trong bài viết trên trang Đại quân sự có đăng hình minh họa mô tả một con tàu bị đánh đắm đang bốc cháy ngùn ngụt với chú thích “Hình ảnh con tàu khai thác dầu khí Việt Nam bị đánh đắm do cư dân mạng lưu truyền”. Thế nhưng, theo tìm hiểu của Thanh Niên, hình trên là hình ảnh vụ nổ giàn khoan Deep Horizon ngoài vịnh Mexico, Mỹ, hồi năm 2010 mà báo chí quốc tế từng đăng tải. Như vậy, có nhiều bằng chứng chỉ ra bài viết trên là bịa đặt nhưng nó lại đang được phát tán rộng rãi ở nhiều trang mạng, diễn đàn tại Trung Quốc với 2.670 kết quả tìm kiếm. Thậm chí, phụ trang của tờ Nhân Dân nhật báo cũng đăng tải. Những động thái này cho thấy đây không chỉ là thông tin bịa đặt mà còn mang tính kích động khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp. Lucy Nguyễn - Mai Hà |
Ngô Minh Trí
>> Việt Nam xếp thứ 2 tại Hội thi tay nghề ASEAN
>> Chương trình dành cho sinh viên các nước ASEAN
>> Việt Nam xếp thứ 2 tại Hội thi tay nghề ASEAN
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> ASEAN sẽ bàn tiếp COC vào tháng 11
Bình luận (0)