Cứ thẳng thắn giống Tùng Dương, cái tham vọng số lượng lẫn chất lượng khán giả, nghệ sĩ nào không có. Song tài năng đến đâu để làm được việc đó mới là vấn đề. “Gã nhà quê hát nhạc jazz” bắt đầu Tùng Dương hát tình ca bằng câu chuyện một buổi sáng thức dậy, chàng nhận được lá thư: “Tôi rất yêu mến giọng hát của Tùng Dương, nhưng là những lúc mượt mà như Mùa thu cho em, còn lên đồng thì chịu. Hy vọng Tùng Dương hát thêm nhiều những tình khúc êm dịu. Kí tên: Một fan sáu mươi lăm tuổi”.
Chẳng biết vì chiều người hâm mộ, hay tự bản thân ý thức được là mình hơi… xa cách với đại bộ phận khán giả lớn tuổi mà Tùng Dương đã quyết định tổ chức show.
Trong không gian lãng mạn với ánh sáng tỏa ra từ cây đèn tròn lấp lánh được họa sĩ Lê Thiết Cương thiết kế cho chương trình, Tùng Dương cất tiếng, và hát, chỉ đơn giản vậy. Giọng hát Tùng Dương ấm áp tựa như nỗi lòng của người thủy thủ lâu ngày vẫy vùng trên biển cả, bỗng một hôm da diết nhớ bờ. Bên ngoài trời kia, mùa đông sắp tới. Bên trong nhà hát, Tùng Dương dìu dặt khán giả Nhìn những mùa thu đi. Không MC dẫn chuyện, không những cuộc tâm sự lê thê, sự kết nối của Tùng Dương hát tình ca chính là mạch cảm xúc.
Mấy ai ngờ chàng ca sĩ quen kẻ viền mắt đen, áo chùng dài quết đất lại từng bước nhẹ nhàng quyến rũ nhiều người vốn say mê hoài cảm bằng những tác phẩm: Ngậm ngùi, Rồi mai tôi đưa em, Tà áo xanh… một cách thuyết phục đến vậy. Tùng Dương trước giờ nổi tiếng… khéo léo nên hẳn là chẳng thể để xảy ra “nhất bên trọng nhất bên khinh” rồi. Thỏa lòng khán giả lớn tuổi, vừa lòng khán giả quen thuộc. Tùng Dương làm mới mẻ những bản nhạc xưa cũ qua lối hát hết sức văn minh và tỉnh táo.
Tùng Dương (trái) - Ảnh: Trung Kiên
“Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi…”. Trong nhà hát trầm mặc, âm thầm chuyến đưa tiễn mùa thu. Đừng loay hoay tìm ở liveshow này đâu là tính giải trí, đâu là chất nghệ thuật. Người hát và người nghe hiểu nhau, đó là điều dễ nhận thấy. Giới hạn cuối cùng của người nghệ sĩ chính là làm sao xích gần được khán giả, chạm vào điều bình dị nhất. m nhạc, suy cho tường tận, là khơi gợi xúc cảm. Mỗi nghệ sĩ có mỗi kiểu tiếp cận khán giả khác nhau. Chàng quái Tùng Dương thì lắm chiêu nhiều trò hơn một chút. Chắc vì thế nên khi chàng mặc âu phục nghiêm chỉnh, không múa may uyển chuyển, không rên rỉ gào thét mà vẫn hiển nhiên được xem là…quái lạ!
Chàng mời Nguyên Thảo đằm thắm đứng bên cạnh Thanh Lam rực lửa. Đáng nói thêm, tiết mục song ca nào cũng khiến khán giả thích thú reo hò. Mùa thu cho em (với Nguyên Thảo) nồng nàn, Ru đời đi nhé (với Thanh Lam) khắc khoải…
Lâu lắm rồi Sài Gòn mới được lắng đọng bởi giọng hát của một người trẻ. Ai bảo Tùng Dương chỉ biết ma mị, Tùng Dương chỉ biết quái dị?
Ngân Vi
Bình luận (0)