VEC cũng đã nhanh tay xử lý kiểm điểm hai giám đốc liên quan do chậm trễ khắc phục hư hỏng.
Đây có lẽ là lần đầu tiên một doanh nghiệp làm đường công khai đứng ra xin lỗi vì chất lượng đường kém. Tuy nhiên, lời xin lỗi trên có lẽ vẫn khó thỏa mãn được những chủ phương tiện hằng ngày vẫn đang phải bỏ một số tiền khá lớn để được lưu thông trên tuyến cao tốc này. Nhất là khi lý do giải thích cho việc đường bị lún nứt chưa hợp lý.
Trên thực tế, dự án (DA) cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 được khởi công từ tháng 1.2006 với mục tiêu đưa vào khai thác vào quý 3/2008, tổng mức đầu tư 3.733 tỉ đồng. Tuy nhiên, do chậm tiến độ vì khó giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như năng lực nhà thầu yếu, tháng 8.2007 Bộ GTVT đã phải phê duyệt điều chỉnh DA, nâng tổng mức đầu tư lên 7.692 tỉ đồng, cũng như điều chỉnh mục tiêu thông xe tới năm 2010. Nhưng DA lại tiếp tục chậm tiến độ một lần nữa cũng với lý do khó khăn GPMB và năng lực nhà thầu hạn chế.
Với nhiều sức ép, mãi tới tháng 11.2011 DA mới được thông xe kỹ thuật hơn 20 km đầu tiên, và khi đó, tổng mức đầu tư toàn tuyến đã tăng lên 8.974 tỉ đồng. Tại lễ ra quân đầu năm của VEC vào tháng 1.2012, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu VEC và các nhà thầu bằng mọi biện pháp phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành công trình, chậm nhất đến ngày 30.6.2012 phải đưa vào khai thác toàn tuyến. Dù thời điểm đó, DA mới hoàn thành được 70-80% tiến độ, một số đoạn qua H.Ý Yên (Nam Định) vẫn chưa thể GPMB xong. Trong một cuộc họp về tiến độ của DA, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tiếp tục nhắc lại yêu cầu tiến độ này.
Với những sức ép trên, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã thông xe đúng ngày 30.6. Để thông được xe, VEC đã xử lý tạm thời, làm đường quá độ tại một số đoạn tới tháng 3.2012 mới GPMB xong (theo đúng thiết kế phải tháng 1.2013 mới có thể đưa vào khai thác).
Kết quả là chỉ 5 tháng sau khi thông xe, đã xuất hiện lún nứt, ổ gà tại Km 256 và Km 257. Việc ép tiến độ DA đã dẫn tới chưa đủ thời gian gia tải chờ lún, nên nền đường bị lún không đều, tốc độ lún còn lớn, ảnh hưởng đến độ bằng phẳng của mặt đường, gây nên hiện tượng trồi sụt, ổ gà. Đặt câu hỏi tại sao phải ép tiến độ thông xe toàn tuyến, trong khi có thể chờ đợi thêm để hoàn thiện chất lượng tuyến đường, một lãnh đạo của VEC đã cho rằng, nếu chỉ vì 300 m mà dừng lại chờ sẽ làm tổn phí cả 50 km toàn tuyến.
Tuy nhiên, câu trả lời này rất “phi kỹ thuật”, bởi chủ những phương tiện đã phải trả phí cao cho VEC, không có lý gì phải chấp nhận đi trên một đoạn đường xấu do lỗi của chủ đầu tư. Việc kéo dài DA quá lâu (6 năm) để rồi phải vắt chân lên cổ trong những tháng cuối cùng để chạy tiến độ theo chỉ đạo, đã ảnh hưởng tới chất lượng tuyến đường hàng nghìn tỉ đồng này. Đáp ứng đúng tiến độ là yêu cầu quan trọng, nhưng không vì thế chủ đầu tư lại xếp tiến độ cao hơn yêu cầu chất lượng, dù chỉ với một vài đoạn tuyến nhỏ trong toàn tuyến đường. Sau câu chuyện cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lún nứt, người dân không thể không đặt câu hỏi nghi ngại về chất lượng với các DA giao thông khác đang bị thúc tiến độ để đáp ứng thành tích hiện nay.
Mai Hà
Bình luận (0)